Trong căn nhà nhỏ với nồi bánh gio đang sôi trên bếp, Lộc Thị Chanh thoăn thoắt đôi tay gói bánh và kể cho chúng tôi về hành trình khởi nghiệp từ bánh gio của mình. Sau khi học xong Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Lộc Thị Chanh về nhà mở hiệu thuốc nhỏ. Ở nhà, bố mẹ chị thi thoảng làm bánh gio để bán, nhưng chỉ nhỏ lẻ. Ban đầu chị giúp bố mẹ bán bánh gio bằng cách đăng trên trang Facebook và được bạn bè, người thân ủng hộ. Dần dần, số lượng ngày càng tăng, nhiều khách ở các tỉnh cũng đặt hàng, vì vậy, chị quyết định cùng gia đình sản xuất bánh gio quy mô lớn hơn, ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động, nghiên cứu sử dụng gạo nếp và các cách làm để bánh bảo đảm chất lượng.

leftcenterrightdel
Chị Lộc Thị Chanh (bên phải) đang làm bánh gio. 

Để xây dựng uy tín và mở rộng thị trường, năm 2021 Lộc Thị Chanh thành lập HTX bánh gio Bắc Kạn với 9 thành viên. Năm 2022, HTX đăng ký sản phẩm bánh gio tham gia xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, bình quân mỗi ngày HTX của chị sản xuất 1.600-1.700 bánh gio. Bánh của HTX được tiêu thụ theo đơn đặt hàng chủ yếu tại Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, TP Hồ Chí Minh... Nhờ vậy, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân khoảng 200.000 đồng/người/ngày.

Để có thể làm bánh dẻo, ngon, mẫu mã đẹp, Lộc Thị Chanh chia sẻ: “Việc lựa chọn gạo nếp quan trọng nhất đối với bánh gio. Bởi chỉ cần lẫn một hạt gạo tẻ thì bề mặt bánh sẽ không đẹp, ăn không ngon. Vì vậy, sau khi thử nghiệm với nhiều loại gạo nếp, chúng tôi đã lựa chọn gạo nếp cái hoa vàng để làm bánh. Quá trình làm bánh, phải lựa chọn lượng gio phù hợp để sau khi ngâm gạo với gio qua đêm, bánh sẽ có màu đẹp và mùi thơm. Trước đây khi ninh bằng bếp củi, phải chia thành nhiều nồi, do mức nhiệt không giống nhau nên chất lượng bánh không đồng đều. Hiện nay chúng tôi ninh bánh bằng nồi điện trong thời gian từ 3 đến 4 giờ đồng hồ là hoàn thành mẻ bánh khoảng 2.000 chiếc. Với cách làm này chúng tôi vừa tiết kiệm được thời gian, nhân lực, mà bánh chín đều hơn".

Do khai thác được lợi thế sẵn có từ nguồn nguyên liệu của địa phương, truyền thống làm bánh gio của gia đình và chặt chẽ trong các khâu lựa chọn nguyên liệu, hiện nay bánh gio của HTX bánh gio Bắc Kạn sản xuất luôn có độ dẻo, trong, thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại doanh thu khá cao. Thời gian tới, chị Chanh mong muốn được mở rộng nhà xưởng sản xuất, tăng sản lượng và đưa bánh gio vươn xa hơn, qua đó tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên HTX, người dân địa phương.

Bài và ảnh: LINH HÀ