Nhận thấy có nhiều người yêu thích món bánh gio truyền thống của địa phương, chị Lộc Thị Chanh, người dân tộc Tày, sinh năm 1991, trú tại Cốc Muổng (Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) từ hộ sản xuất nhỏ lẻ đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã bánh gio Nông Thượng chuyên sản xuất bánh gio ba góc, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, giữ gìn hương vị món bánh đặc sản của quê hương.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay hợp tác xã của chị Chanh chỉ tập trung sản xuất bánh gio ba góc. Nguyên vật liệu chính để làm bánh gồm gạo nếp cái, nước gio, lá chít, lạt buộc. Lá chít vốn cứng và giòn, nếu hái muộn, lá chít sẽ bị héo quắt lại, vì thế, bà con trong thôn thường lên rừng lấy lá từ sớm, lựa chọn lá cùng kích thước.
 |
Xã viên Hợp tác xã bánh gio Nông Thượng gói bánh gio ba góc. |
Mỗi đáp chít khoảng 100 lá sẽ được hợp tác xã thu mua với giá 8.000 đồng. Lá chít tươi khi lấy về được lau sạch và luộc qua nước sôi để khi gói bánh, lá không bị rách. Nước gio là thành phần quan trọng nhất tạo nên hương vị riêng của bánh. Gio thường được để nguội, bọc vào trong vải xô hoặc rổ tre kín mắt, sau đó châm nước đun sôi để nguội vào bọc gio và hứng lấy nước. Một bọc gio tùy theo ước lượng của người làm bánh mà châm nước cho vừa. Nước gio được lọc cẩn thận rồi đun sôi, để nguội. Nước nhạt quá bánh sẽ không lên màu đẹp, còn nước đậm quá lại có mùi hắc của gio, có vị đắng khiến bánh không ngon. Gạo gói bánh là gạo nếp cái, được làm sạch rồi đem ngâm trong nước gio khoảng 3 giờ đồng hồ. Sau khi để gạo ráo nước là có thể gói bánh. Khi gói xong, rìa lá được cắt bỏ để chiếc bánh gọn gàng, đẹp mắt.
Chị Lộc Thị Chanh cho biết: “Trung bình mỗi ngày hợp tác xã có khoảng 10 đơn hàng. Để có thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách, chúng tôi cần 5-9 xã viên gói bánh. Những năm gần đây, bánh gio ba góc Bắc Kạn chủ yếu cung cấp cho khách hàng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Nam. Toàn bộ bánh làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Có thời điểm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường một vạn chiếc bánh mỗi ngày. Các xã viên phải gói và luộc bánh từ sáng sớm đến đêm muộn mới kịp hôm sau giao cho khách hàng”.
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, chị Lộc Thị Chanh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Hợp tác xã bánh gio Nông Thượng sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu cách tiếp cận để mở rộng thị trường...
Bài và ảnh: TRIỆU HẢI