Trong năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Trà Cú được phân bổ kinh phí 36 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đầu tư cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS... Theo đó, huyện Trà Cú đã xây dựng được 21 công trình đường giao thông và 1 hệ thống thoát nước với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Trà Cú còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn tài trợ để đầu tư xây dựng hàng chục công trình phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer.

leftcenterrightdel
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Kim Phênh ở ấp Xoài Rùm, xã Kim Sơn đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò sinh sản. 

Cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng quê, ông Thạch Ngà, người có uy tín ở ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên cho biết: “Hiện nay, đời sống đồng bào Khmer đổi thay rất nhiều, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng, ngõ xóm thông thoáng; điện lưới quốc gia, nước sạch về từng nhà; y tế, giáo dục phát triển vượt bậc, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt”.

Bên cạnh đó, huyện Trà Cú tích cực đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Trước đây, gia đình ông Kim Phênh ở ấp Xoài Rùm, xã Kim Sơn thuộc diện hộ khó khăn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng, thuê đất trồng cỏ và duy trì nuôi 5 con bò sinh sản, nhờ đó mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò. Cùng với đó, gia đình ông mở thêm cửa hàng buôn bán nhỏ cũng giúp thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn trước, có điều kiện sửa chữa lại nhà, tạo động lực để gia đình ông vươn lên trong cuộc sống.

Theo bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú, đổi thay lớn nhất ở các xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào Khmer sinh sống là kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang, các tuyến đường nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Ngoài các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, thời gian qua, với nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp hàng nghìn lượt hộ đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, hộ nghèo ở Trà Cú đã giảm rõ rệt, đến cuối năm 2022, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 1.938 hộ (chiếm 4,47%); 2.899 hộ cận nghèo (chiếm 6,68%); thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Ông Huỳnh Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: “Các chương trình, dự án được triển khai thực hiện ở Trà Cú trong thời gian qua đã từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; thu nhập của người dân đã tăng lên, đời sống được cải thiện rõ nét. Với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, huyện sẽ nỗ lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS, sắp xếp, bố trí ổn định chỗ ở cho đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn và khu vực có nguy cơ cao về thiên tai...”.

Đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Cú đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào Khmer. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: HỮU LỢI