Đại tá UÔNG ĐÌNH TÂN, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4: Gắn các chương trình mục tiêu quốc gia với thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 337 thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP Khe Sanh trên địa bàn 13 xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị).

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Đoàn KT-QP 337 đã triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án KT-QP, nhất là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giúp đồng bào DTTS.

leftcenterrightdel
Cán bộ Ban CHQS huyện Đắk Mil (Đắk Nông) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cà phê cho hộ dân tộc thiểu số xã Đắk N’Drót. Ảnh: BÌNH ĐỊNH

Từ năm 2022 đến nay, Đoàn KT-QP 337 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, tiến hành cấp cây, con giống, xây dựng nhiều mô hình như chăn nuôi bò, dê, lợn; mô hình thâm canh lúa nước; mô hình trồng cây dong riềng và sản xuất miến dong giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Đến nay, Đoàn đã tiến hành cấp 1.952 con bò, dê, lợn giống; 7,4 tấn lúa giống; 4,13 tấn phân bón và 322 dụng cụ sản xuất cho 1.704 hộ dân. Cùng với đó, Đoàn cũng thành lập các tổ công tác do cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện trực tiếp xuống hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm chuồng trại, phát triển vùng nguyên liệu, thức ăn, khai hoang đất; thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không buôn bán, vận chuyển ma túy, không nghe kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, không theo tà đạo...

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” gắn với công tác khuyến học trên địa bàn, bằng nguồn vốn từ dự án và tiết kiệm của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện, đơn vị đã nhận nuôi, hỗ trợ nuôi dưỡng 58 em học sinh mồ côi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 518,6 triệu đồng. Đến nay, các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao, giúp nhân dân có thu nhập ổn định, được nhân dân tin tưởng và cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Qua đó, đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân với dân một ý chí, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

----------------

Đại tá PHẠM XUÂN THẢNH, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15: Chung sức chăm lo cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Năm 1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 luôn chú trọng đến việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho công nhân và hộ dân là người DTTS. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã tạo việc làm cho 117 công nhân người DTTS có thu nhập ổn định. Cùng với đó, Công ty luôn quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS về vốn, vật tư, phân bón, kinh phí bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật canh tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, 100% công nhân là người DTTS đều yên tâm gắn bó với Công ty lâu dài, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, phát triển. Đặc biệt, đơn vị đã huy động 150,52 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn đứng chân.

Trong hai năm 2022, 2023, thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đã trao giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và giúp 362 hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Ea Sin (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk); các xã Quảng Sơn, Quảng Hòa, Đắk Ha và Đắk Rmăng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cải tạo vườn cà phê với tổng kinh phí 8,62 tỷ đồng. Nhờ sự chung tay, góp sức của Công ty TNHH MTV Cà phê 15, đến nay, 12/16 xã trên địa bàn đơn vị đứng chân đã về đích nông thôn mới.

----------------

Hòa thượng THÍCH THIỆN HUỆ, Phó trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ, Trụ trì chùa Phước Long Cổ Tự: Trong tâm trí mỗi phật tử luôn có hình ảnh Bác

Việc treo ảnh Bác hoặc đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các chùa không phải là chuyện mới, từ lâu, hình ảnh của Người luôn trong tâm trí của các phật tử cũng như người theo đạo ở các tôn giáo khác. Điều này thể hiện tình cảm, lòng tôn kính của mỗi người dân với Bác Hồ. Trong kháng chiến, sư sãi, phật tử luôn một lòng theo cách mạng, chùa là nơi nuôi giấu, chở che bộ đội; đồng bào, phật tử tìm mọi cách tiếp tế lương thực, thuốc men để bộ đội bám trụ lâu dài đánh địch. Chính vì vậy, mọi người luôn tôn kính Bác, treo ảnh Bác, lập bàn thờ Bác ở nơi trang trọng nhất trong gia đình.

Tại chùa Phước Long Cổ Tự, việc treo ảnh Bác có từ trước ngày giải phóng miền Nam năm 1975, việc làm này không chỉ thể hiện sự tri ân của đồng bào, phật tử với Bác Hồ mà còn để giáo dục thế hệ hôm nay, mai sau nhớ đến hình ảnh, công lao của Bác với dân tộc Việt Nam.

Vào các ngày lễ hằng tháng, sau phần nghi thức theo đạo Phật, nhà chùa thường dẫn giải thêm về ngày sinh, những việc làm của Bác và các anh hùng liệt sĩ để phật tử hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về công lao, mối quan hệ gắn bó sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Thông qua các buổi thuyết giảng, nhà chùa cũng mong muốn tuyên truyền để mỗi phật tử cũng như toàn thể nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

----------------

Ông TẨN PHÙ DỈN, thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai): Bộ đội Cụ Hồ luôn chăm lo đời sống người dân

Thực hiện việc học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, Đoàn KT-QP 345 (Quân khu 2) thường xuyên chăm lo đến đời sống đồng bào các dân tộc tại huyện Bát Xát. Đặc biệt vào những ngày lễ lớn của dân tộc hay sinh nhật Bác, Đoàn KT-QP 345 còn tặng các gia đình cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ với mong muốn mỗi người dân luôn ghi nhớ công ơn của Bác.

Như gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo, vô cùng khó khăn, thiếu thốn, từ năm 2020, được Đoàn KT-QP 345 cấp 4 con dê giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi dê và thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ trong việc chăn nuôi, trồng trọt nên đến nay, kinh tế gia đình đã từng bước ổn định. Có thu nhập, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn, các thành viên có những thay đổi lớn về tư duy, nếp nghĩ, tích cực lao động, sản xuất, không lười nhác, trông chờ, phó mặc như trước nữa.

Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ nghèo khác trong thôn cũng được bộ đội Đoàn KT-QP 345 quan tâm, giúp đỡ. Các chú bộ đội miệng nói tay làm, luôn gần dân, bám bản; khuyên nhủ bà con bỏ đi nhiều hủ tục, thực hiện nếp sống mới văn minh hơn. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tin theo Đảng, theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan