Tại các địa phương có hồ nước lớn, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống quanh khu vực đã biết tận dụng để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khai thác tối đa nguồn lợi từ mặt nước, tập trung phát triển kinh tế, du lịch trên lòng hồ, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của bà con.

 Ảnh minh họa: TTXVN

 

Hồ Thác Bà (thuộc huyện Lục Yên và huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có diện tích mặt nước hơn 19.000ha, là điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan sinh sống quanh hồ nuôi trồng thủy sản. Với những tiềm năng sẵn có của hồ Thác Bà, hơn 10 năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đồng bào các xã xung quanh hồ phát triển nuôi trồng thủy sản. Điển hình như tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ mỗi gia đình nuôi cá 10 triệu đồng/lồng, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô từ 30 lồng trở lên 5 triệu đồng/lồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân quanh hồ Thác Bà đã có điều kiện mở rộng chăn nuôi. Thời gian tới, chính quyền huyện Yên Bình và Lục Yên sẽ tiếp tục vận động người dân ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất theo chuỗi, từ đó tăng năng suất và chất lượng cá hồ Thác Bà.

Tương tự như khu vực hồ Thác Bà, thời gian qua, các hộ dân sinh sống quanh khu vực hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cũng đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tại khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, hiện nay đa số các hộ ở đây đều tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình.  Anh Lý Văn Thân-một người dân ở khu tái định cư xóm Lau Bai cho biết: “Trước đây chúng tôi ở nơi khác, năm 2017, sau một trận lũ quét, ngọn đồi của cả xóm xuất hiện những vết nứt rồi bị sạt lở. Nhận thấy nguy hiểm, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đến nơi ở hiện nay. Mỗi gia đình chuyển đến đây được hỗ trợ 20 triệu đồng và gần 400m2 đất. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ dân chúng tôi dần chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình. Như gia đình tôi, dự kiến nếu không xảy ra rủi ro thì năm nay sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ cá lồng. Nuôi cá lồng đã giúp người dân phát triển kinh tế, xây được nhà cửa khang trang”.

Cùng với việc mở rộng quy mô nuôi cá lồng bè, tại các địa phương có hồ thủy điện lớn còn xây dựng nhiều chương trình và có cơ chế khuyến khích đồng bào phát triển du lịch quanh khu vực hồ. Như tại huyện Na Hang (Tuyên Quang), nơi có hồ thủy điện Na Hang, chính quyền địa phương khuyến khích người xây dựng các homestay, các tour trên lòng hồ để phát triển du lịch. Du khách tới tham quan hồ Na Hang còn được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao sinh sống nơi đây.

Nhờ chính sách khuyến khích phát triển kinh tế lòng hồ đã giúp bà con các dân tộc thiểu số sinh sống xung quanh vùng hồ thủy điện khai thác lợi thế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình.

HIẾU ANH