Trong đó, phục hồi, bảo tồn và phát huy các giống cây bản địa được bà con đặc biệt quan tâm, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo nên những thương hiệu đặc trưng riêng có của từng địa phương. Cây bản địa là những loại cây phát triển và phân bố tự nhiên tại địa phương, phù hợp với đất đai, khí hậu và gần gũi với cuộc sống người dân bao đời nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà một số loài bị thoái hóa nguồn gen, thậm chí dần biến mất, vậy nên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng từ các loại cây bản địa.
 |
Thu hoạch quýt hôi. Ảnh: TTXVN |
Những năm qua, với mục tiêu phát huy lợi thế cây trồng đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, năng lực sản xuất của đồng bào DTTS, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển một số loại cây bản địa, trong đó có loại quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi hay quýt rừng). Là loại cây dễ tính, tuy nhiên do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích trồng. Để khôi phục và phát triển giống quýt hoi, thời gian qua, huyện Bá Thước đã triển khai thực hiện Đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hoi trên địa bàn huyện Bá Thước” cũng như lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón và hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình, nhờ đó quýt hoi đang dần được hồi phục. Hiện nay, huyện Bá Thước đang có hơn 60ha quýt hoi tập trung ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao... Ông Hà Văn Quân, một hộ dân trồng quýt hoi ở xã Ban Công cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng sắn, ngô, nhưng do đất trồng có nhiều sỏi, đá nên hiệu quả không cao. Sau khi được hướng dẫn, tôi trồng thử nghiệm hơn chục cây quýt hoi, chỉ một thời gian cây phát triển, tôi đã nhân giống ra trồng nhiều hơn. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 1.000 cây, mỗi năm cho khoảng 5-6 tấn quả”. Vỏ quả quýt hoi có nhiều tinh dầu, mang mùi thơm đặc trưng, phát huy đặc tính này, hiện ở Bá Thước có một số đơn vị thu mua, chế biến tạo thành những sản phẩm đặc trưng như trà, siro quýt hoi... từ đó giúp bà con nhân dân có động lực hơn để phát triển loại cây bản địa này.
Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Tày, Nùng, từ lâu đã nổi tiếng với các loại sản vật địa phương như hạt dẻ hay các loại nếp ong, nếp hương, hồng không hạt... Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn giống của người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế, chủ yếu do người dân tự giữ giống từ vụ này sang vụ khác nên cây nếp ong dần thoái hóa giống do yếu tố di truyền và điều kiện ngoại cảnh tác động. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen các giống lúa nếp ong đặc sản, vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng đã thành công trong việc phục tráng sản xuất giống nếp ong bản địa tại xã Ngọc Côn. Ông Phan Văn Tuân, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Côn cho biết: “Sau phục tráng, giống lúa nếp ong đã cho năng suất cao hơn, hạt lúa tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để giúp người dân mở rộng diện tích trồng lúa nếp ong, chúng tôi mong rằng thời gian tới cần chính sách bao tiêu sản phẩm, có đầu ra ổn định, giúp cho bà con nhân dân nâng cao thu nhập gia đình”.
Để xây dựng thương hiệu, huyện Trùng Khánh đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh nếp ong, cùng với đó quy hoạch lại vùng trồng lúa hàng hóa gắn với quy trình sản xuất khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất để mang đến sản phẩm lúa nếp ong chất lượng, an toàn. Cùng với đó, chính quyền huyện Trùng Khánh cũng tổ chức thu mua, chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trong khắp cả nước.
Có thể nói, nhờ việc tận dụng lợi thế phát triển, xây dựng những mô hình nuôi trồng các loại sản vật bản địa đặc trưng mà cuộc sống đồng bào DTTS ở vùng cao đang đổi thay từng ngày.
TUỆ ĐĂNG