Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các HTX ở Sơn La đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Sự phát triển của mô hình HTX kiểu mới đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân tích cực ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ chủ trương trên, nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới với các sản phẩm ứng dụng công nghệ đã được hình thành trên địa bàn huyện, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong phương thức sản xuất nông nghiệp tại đây.

Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có hơn 15ha sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ. Ảnh minh họa: TTXVN 

Được thành lập từ năm 2016, ban đầu, HTX nông nghiệp Dũng Tiến (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chỉ sản xuất rau chính vụ. Sản phẩm làm ra chưa có hợp đồng tiêu thụ nên giá trị canh tác chỉ đạt 160 triệu đồng/ha/năm/3 vụ sản xuất. Từ năm 2019, thực hiện phát triển theo mô hình HTX kiểu mới, HTX nông nghiệp Dũng Tiến đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi trồng các loại rau màu trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nhờ đó góp phần nâng cao thu nhập cho HTX và các thành viên. 

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX nông nghiệp Dũng Tiến cho biết: “Việc thực hiện mô hình HTX kiểu mới đã thay đổi tập quán canh tác, trồng trọt của hộ cá nhân phân tán trước đây sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tận dụng được đất đai và lao động địa phương. Đặc biệt, HTX kiểu mới còn hỗ trợ các thành viên cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy mà đời sống của bà con ngày càng phát triển ổn định, bền vững”.

Còn tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, trước đây bà con chỉ quen với phương thức sản xuất đơn lẻ, hộ gia đình, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Từ khi có chủ trương phát triển kinh tế tập thể, nhiều HTX kiểu mới được mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhờ đó các mô hình này phát triển cả về chất và lượng. Như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng tại xã Tả Lủng, được thành lập năm 2016 với tổng vốn ban đầu 550 triệu đồng.

Sau khi thành lập, HTX bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng gồm khu vực chế biến, chăn nuôi rộng gần 7.000m2 với 24 gian chuồng trại và triển khai chăn nuôi gà, lợn lấy thịt, dê sinh sản... Ngoài chăn nuôi, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng là cơ sở chính nuôi và thu mua mật ong bạc hà ở huyện Mèo Vạc. Anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên, giúp họ có đời sống tốt hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng có những chính sách hỗ trợ đối với các thành viên còn nghèo về giống ong để họ có công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người nghèo”.

Với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng, các HTX kiểu mới không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

TUỆ ĐĂNG