Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 chậu lan, hơn 3.000 cây đào và một số loại hoa cây cảnh khác. Chuẩn bị phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này hầu hết các hộ trồng hoa ở Tả Phìn-một trong những vùng trồng hoa Tết lớn nhất của thị xã Sa Pa đang tất bật chăm sóc các loại hoa, sẵn sàng cung ứng ra thị trường.
 |
Ông Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa đến thăm, nắm bắt tình hình sản xuất tại vùng trồng hoa địa lan, nhất chi mai xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. |
Các hộ dân trồng địa lan, nhất chi mai và những loài hoa đặc trưng khác tại xã Tả Phìn đã chuẩn bị cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm với hàng nghìn gốc hoa cao cấp. Ngoài kinh nghiệm tích lũy được qua hàng năm trồng và gắn bó với các loài hoa đặc biệt này, những người nông dân luôn chú trọng, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để hoa nở đúng dịp, tránh thiệt hại. Anh Lý Quẩy Chòi - người dân thôn Tà Chải, xã Tả Phìn chia sẻ: “Riêng trồng lan đối với bà con ở đây cũng đơn giản, khí hậu rất phù hợp. Mỗi năm nhà tôi trồng 100 chậu, cứ trồng gối vụ năm nào cũng bán được, mỗi chậu bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng là mình đã có lãi rồi...”.
Mỗi hộ gia đình tham gia trồng hoa địa lan, nhất chi mai tại xã Tả Phìn thường trồng từ vài chục đến hàng trăm chậu cây. Những ngày cuối năm, việc chăm sóc, bảo vệ cây hoa được các gia đình huy động toàn bộ nhân lực và thuê thêm nhân công. Nghề trồng hoa đã đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 tỷ đồng cho người dân xã Tả Phìn. Hàng trăm hộ dân tại đây đã từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm giàu lên từ trồng hoa cây cảnh, hình thành nên một vùng đất nổi tiếng cung cấp hoa ra thị trường cả nước mỗi dịp Tết đến.
 |
Nông dân Sa Pa chăm sóc hoa địa lan.
|
Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, chính quyền các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân cũng như tập trung quy hoạch khuyến khích bà con ứng dụng kỹ thuật vào trồng chăm sóc cây hoa cho giá trị kinh tế. Để có một chậu hoa đẹp (từ 10 đến 20 cành) phải mất thời gian chăm bón khoảng 3-4 năm. Hiện nay, giá bán 1 chậu hoa địa lan Trần Mộng loại nhỏ cũng từ 2 đến 3 triệu đồng/chậu, loại trung bình từ 10 đến 20 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào số bông trên chậu. Đặc biệt, với những chậu hoa khủng, nhiều hoa nở rực rỡ, tán đều và sum suê thì giá có thể lên tới 100-120 triệu đồng. Người trồng lan ở Tả Phìn, hộ trồng ít mỗi năm thu về từ 30 đến 50 triệu đồng, những hộ dân trồng nhiều và đầu tư có quy mô doanh thu lên đến hàng tỷ đồng một năm, bên cạnh đó là rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp bà con có thể làm giàu từ cây lan.
Ông Lý Láo Lở - Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: “Các dự án nông nghiệp để người dân tham gia tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội mỗi năm có từ 2-3 dự án, đây là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho bà con nhân dân...”. Đây cũng chính là nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gia tăng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”.
 |
Hoa địa lan Sa Pa. |
Sau một năm lao động cần mẫn, vất vả, thời điểm này đối với mỗi người dân trồng hoa tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa mong muốn thời tiết thuận lợi để hoa nở đẹp, đúng dịp, mang những loài hoa của núi rừng Tây Bắc về với miền xuôi hay miền Nam xa xôi để tô điểm cho sắc xuân đang đến rất gần.
Bài, ảnh: PHẠM QUỲNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan