“An cư lạc nghiệp” chủ trương xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã xác định công tác hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cấp thiết, tạo động lực để người dân vươn lên. Là tỉnh có hơn 87% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của bà con cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, do đó, điều kiện cấp thiết nhất để người dân an tâm lao động, sản xuất là phải có chỗ ở ổn định. Có “an cư”, bà con mới nghĩ đến chuyện “lạc nghiệp”.

Nếu như giai đoạn 2019-2021, từ Chương trình 1953 hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, tỉnh Hà Giang đã huy động nguồn lực xã hội hóa xóa nhà tạm cho 6.700 hộ gia đình thì giai đoạn tiếp theo, người dân tiếp tục có cơ hội sửa chữa, làm nhà mới từ sự hỗ trợ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có hơn 9.000 hộ gia đình năm nay đón Tết trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố.

leftcenterrightdel

Niềm vui nhân đôi khi Tết này gia đình anh Giàng Mí Hờ, thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) được đón Tết trong ngôi nhà mới. 

Có mặt tại thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới khang trang, kiên cố đang được anh Giàng Mí Hờ và gia đình cố gắng hoàn thành để kịp đón Tết Nguyên đán năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, Anh Hờ xúc động nói: “Đến giờ tôi vẫn còn ngỡ ngàng lắm vì không nghĩ mình có thể xây dựng được ngôi nhà như thế này. Dù đã rất cố gắng, chăm chỉ làm ăn nhưng tôi và một số hộ trong thôn không có nhiều cơ hội để thay đổi. Chúng tôi dựa vào con lợn, con bò, vào cây ngô, cây lúa cũng chỉ đủ ăn, việc dựng một ngôi nhà xây kiên cố tôi ít khi nghĩ đến, may mắn được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi đang cố gắng hoàn thiện để kịp có nhà mới đón Tết”.

Năm 2023, từ hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn thôn Lũng Chỉn có 27 hộ xây nhà mới trong số 58 hộ. Có nhà mới, anh Hờ nghĩ ngay đến việc mình sẽ phải thoát nghèo.

Anh Hờ chia sẻ thêm: “Có sức khỏe, có sức lao động, không lý gì lại là hộ nghèo mãi, suy nghĩ rồi tôi quyết định lan tỏa trong thôn, xã. Tôi và 4 hộ gia đình khác trong xã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã năm 2023 vừa rồi”.

Được biết, 5 hộ viết đơn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo là những hộ gia đình năm nay đón Tết trong những ngôi nhà mới. Vượt qua cả sức tưởng tượng và niềm mơ ước, cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước là 44 triệu đồng nhiều hộ gia đình nỗ lực, quyết tâm tăng gia sản xuất, đi lao động ở các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh, vay mượn thêm của anh em để làm được ngôi nhà từ 200-400 triệu đồng. Ngôi nhà xây xong, dù sẽ còn nhiều nỗi lo để trả nợ nhưng niềm vui, sự ấm áp trong ngôi nhà mới, đó là động lực để những người dân miền biên viễn yên tâm bám thôn, bám bản, thay đổi tư duy “không còn nghèo mãi”.

leftcenterrightdel
Trong ngôi nhà mới anh Giàng Mí Hờ, thôn Lũng Chỉn, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo của xã. 

Ông Giàng Mí Vư, thôn Lũng Chỉn, một trong những hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở mới bày tỏ: “Bây giờ có ngôi nhà mới vui lắm rồi. Được Nhà nước hỗ trợ, mình vay thêm của anh em họ hàng, các con đi làm công nhân ở công ty nữa gửi tiền về cho bố mẹ để làm nhà. Từ giờ không lo mưa ướt, không lo gió lạnh. Cuộc sống không khó khăn nữa rồi”.

Ông Lầu Mí Chả, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ cho biết: “Bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, không còn quá trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà mới kiên cố, khang trang từ Chương trình mục tiêu quốc gia các hộ đã có ý thức vươn lên phát triển kinh tế; một số hộ đã tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2023 của xã”.

Còn tại thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, không khí rộn ràng của những phụ nữ dân tộc Mông nơi xóm nhỏ này vào những ngày cận Tết càng thêm rộn ràng, phấn khởi. Giờ là lúc nông nhàn, khi mọi việc trên nương, ruộng đều đã xong xuôi. Những câu chuyện đời thường về chồng vợ, về con cái, về những niềm vui trong cuộc sống, hay bắt nhịp xu hướng của những tiktoker, youtuber… Trong số các chị, có nhiều người vừa xây xong nhà mới. Chị Giàng Thị Máy, chủ ngôi nhà hơn 400 triệu đồng mới hoàn thành cách đây ít tháng. Dù trong nhà vẫn chưa đầy đủ các vật dụng, nhưng đó là niềm mơ ước hơn 40 năm của chị Máy. Hai vợ chồng bảo ban nhau đi làm công nhân từ cách đây 5 năm, trước thời điểm dịch bệnh Covid-19, anh chị làm ở tỉnh Bình Dương, sau dịch bệnh làm tại tỉnh Vĩnh Phúc.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) thăm ngôi nhà của chị Giàng Thị Máy thôn Lũng Hòa B.

Chị Máy vui mừng nói: “Với số tiền gom góp được, lại có hơn 40 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi cùng chồng đã quyết tâm xây nhà mới. Hiện nay, tôi tạm thời nghỉ làm công nhân một thời gian để lo việc nhà cửa; sau khi ăn Tết, chồng thì lại tiếp tục đi lao động. Hai vợ chồng cũng khuyên bảo nhau phải cố gắng, nỗ lực hơn để từng bước hoàn trả số tiền còn lại vay mượn của anh em làm nhà mới”.

Để triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 03 ngày 22-3-2023 của HĐND tỉnh Hà Giang, Quy định mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hỗ trợ xây mới 44 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách Trung ương 40 triệu đồng, ngân sách địa phương 4 triệu đồng; mức hỗ trợ sửa chữa là 22 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách Trung ương 20 triệu đồng, ngân sách địa phương 2 triệu đồng.

UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 7 huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh là 11.698 hộ, trong đó xây mới 8.185 hộ, sửa chữa 3.513 hộ. Trong năm 2023, với nguồn kinh phí trên 200 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, hỗ trợ cho 5.399 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở, phấn đấu đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, triển khai thêm 4.100 hộ cả xây mới và sửa chữa nhà ở. Đồng nghĩa với những con số là hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà mới để đón Tết ấm cúng, sum vầy.

leftcenterrightdel
Nhà sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trên các thôn, bản vùng cao, biên giới Hà Giang những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố dần thay thế cho những ngôi nhà tạm. 

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: “Sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và sự chung tay của cả cộng đồng là hoạt động rất ý nghĩa, nhân văn giúp bà con “an cư lạc nghiệp”. Việc có được một ngôi nhà khang trang, kiên cố là điều kiện quan trọng để người dân yên tâm lao động, sản xuất. Niềm vui ấy vào thời điểm dịp cuối năm, khi Tết Nguyên đán cận kề râm ran, lan tỏa khắp các thôn bản vùng cao biên giới không chỉ của huyện Đồng Văn mà là cả tỉnh Hà Giang”.

Tết đến, Xuân về trên những dãy núi đá tai mèo, vẻ đẹp của những bông đào bung nở, tô điểm cho sắc xuân thêm rực rỡ. Hòa với thiên nhiên là những thôn, bản trù phú, là cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang không ngừng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Những ngôi nhà ấm từ chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm của Đảng và Nhà nước, tương lai của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, của những đứa trẻ vùng biên cương sẽ có cơ hội mở ra tươi sáng, tốt đẹp hơn. Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, đồng bào dân tộc thiểu số thêm vui mừng, phấn khởi đón cái Tết no ấm, đủ đầy ở nơi biên cương của Tổ quốc.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.