Để thanh niên Khmer tự thân vươn lên khởi nghiệp, những năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tri Tôn và Huyện đoàn Tri Tôn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế, giới thiệu nguồn hỗ trợ và chương trình tín dụng chính sách để tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp.

Mặc dù đã tốt nghiệp ngành khoa học cây trồng của Trường Đại học Cần Thơ và có được công việc đúng chuyên ngành, nhưng với tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của tuổi trẻ, anh Chau Kim Sêng ở thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn đã quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Lúc đầu, tận dụng diện tích vườn tạp của gia đình, anh Sêng mạnh dạn đầu tư mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá trong bể bạt trên diện tích khoảng 250m2.

Trên giàn thủy canh, anh Sêng chủ yếu trồng các loại rau muống, cải ngọt... cho thu hoạch mỗi ngày khoảng 10kg. Số rau này anh cung cấp cho tiểu thương tại chợ Cô Tô, nhờ đó bình quân mỗi tháng anh thu nhập hơn 10 triệu đồng từ việc trồng rau. Còn dưới bể bạt, anh Sêng nuôi cá trê, chừng 3 tháng sẽ cho thu hoạch khoảng 800kg cá/bể.

Đại diện Huyện đoàn Tri Tôn hướng dẫn thành viên Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản cách chăm sóc bò sinh sản.

Biết được ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp của anh Sêng, để giúp anh mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tri Tôn và Huyện đoàn Tri Tôn đã đề xuất với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang hỗ trợ anh vay 110 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị... Nhờ có nguồn vốn vay, anh Sêng đã chuyển về xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn để mở rộng sản xuất.

Anh Chau Kim Sêng chia sẻ: “Được sự hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật của các tổ chức, hiện nay tôi đang mở rộng mô hình nuôi cá kết hợp trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, hướng đến nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Để tiêu thụ sản phẩm, tôi chủ yếu quảng cáo và bán trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook..., điều này có lợi hơn so với bán trực tiếp, bởi việc bán hàng sẽ được mọi người tiếp cận nhiều hơn, lại không mất chi phí thuê mặt bằng nên cho lợi nhuận cao hơn”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhằm giúp đỡ những thanh niên là người dân tộc Khmer ở vùng khó khăn có sinh kế, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tri Tôn đã kết nối với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh An Giang và Trung tâm Hỗ trợ thanh, thiếu nhi Việt Nam thành lập Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản tại xã Lê Trì, huyện Tri Tôn với 30 thành viên tham gia. Các thành viên này chủ yếu là đoàn viên, thanh niên nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số. Mỗi thanh niên tham gia tổ hợp tác sẽ được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản trị giá 20 triệu đồng; được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản. Đây cũng là điều kiện để các thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Anh Chau Long, thành viên của Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản ở xã Lê Trì cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn, cha mẹ đi làm mướn, còn tôi thì tham gia lực lượng dân quân tự vệ của địa phương. Được tham gia tổ hợp tác, tôi rất vui vì nhận được sự hỗ trợ về bò giống và được học hỏi nhiều kiến thức, trao đổi kinh nghiệm để chăn nuôi bò phát triển tốt”.

Có thể nói, trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá và Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản là 2 trong nhiều mô hình thành công do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tri Tôn, Huyện đoàn Tri Tôn tổ chức để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Cùng với đó, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cây, con giống... nên nhiều thanh niên người dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn đã thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Quyền Trang, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tri Tôn cho biết: “Hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp của thanh niên Tri Tôn đang dần hình thành; đặc biệt đã có nhiều mô hình nổi bật trong thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Hy vọng rằng, phong trào khởi nghiệp của huyện sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng kinh tế gia đình và kinh tế của địa phương”.

Bài và ảnh: CHÂU SA - ÁNH PHAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.