Nhờ đó diện mạo các phum, sóc của đồng bào Khmer đã thật sự “thay da đổi thịt”.

Tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, nhờ triển khai nhiều chính sách đồng bộ đã giúp Tham Đôn về đích nông thôn mới nâng cao. Từng thuộc diện những ấp nghèo của xã Tham Đôn nhưng giờ đây các ấp Bưng Chụm, Sô La I, Sô La 2, Trà Bết... đã khoác lên mình diện mạo mới. Từ trung tâm xã về các ấp, sự khang trang từ những căn nhà, trường học, ngôi chùa Khmer làm cho phum, sóc càng thêm rạng rỡ. Đến ấp Trà Bết, chúng tôi thăm gia đình ông Sơn Hang-hộ dân Khmer tiêu biểu về sự cần cù lao động, thành công trong xây dựng mô hình nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

leftcenterrightdel
Ông Sơn Hang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. 

Đã qua những tháng ngày vất vả, cuộc sống của gia đình ông nay khấm khá với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm từ bò sữa. Ông Sơn Hang cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn, nhờ được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển chăn nuôi nên giờ đây cuộc sống đã đỡ vất vả hơn. Từ sự chăm lo, động viên của Đảng, Nhà nước nên đồng bào Khmer ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no và tiến bộ, góp sức vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thực hiện Chương trình 1719, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung; triển khai xây dựng 113 công trình, trong đó 81 công trình đường giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn... Trong năm 2024, tỉnh Sóc Trăng xác định sẽ hỗ trợ nhà ở cho 834 hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS chưa có nhà ở hoặc nhà dột nát, hư hỏng tại các huyện: Thạnh Trị, Châu Thành,  Kế Sách, Long Phú, Trần Đề...

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình 1719 ở Sóc Trăng. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2023, tỉnh Sóc Trăng còn 8.521 hộ nghèo (chiếm 2,5%), giảm được hơn 6.600 hộ”.

Bài và ảnh: GIA UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.