Hà Quảng là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm tỉnh Cao Bằng 40km về hướng bắc; tiếp giáp với các huyện: Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng và huyện Nà Po, thành phố Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Dân số huyện Hà Quảng trên 58.000 người, gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao và Kinh.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, hình thành hệ thống chính sách ngày càng toàn diện để nâng cao đời sống cho đồng bào huyện Hà Quảng nói riêng cũng như tỉnh Cao Bằng nói chung. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân đang là vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Hà Quảng.

Bà con xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng sơ chế ớt sau thu hoạch để công ty thu mua tận nơi. 

Từ năm 2018, cây ớt được đưa vào gieo trồng trên địa bàn các xã vùng cao của huyện Hà Quảng. Ban đầu được thử nghiệm triển khai trồng theo từng hộ gia đình khoảng vài nghìn mét vuông. Khi nhận thấy cây ớt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt và cho năng suất cao, nhiều xã triển khai trồng ớt với quy mô lớn. Đến nay diện tích lên đến 27,88ha, tập trung tại các xã: Thanh Long, Đa Thông, Nội Thôn, Mã Ba, Thượng Thôn.

Trước đây, gia đình Hoàng Văn Anh, xã Nội Thôn trồng ngô, đỗ tương, đất đai bạc màu, khô hạn, cây phát triển kém, có năm mất mùa phải chịu đói trong nhiều tháng. Thấy các hộ dân trong xã trồng ớt theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm có thu nhập khá nên năm nay gia đình anh đăng ký trồng 6.000m2 ớt, nằm trong dự án phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn. Hiện ruộng ớt của gia đình anh đang cho thu hoạch lứa đầu. Những cây ớt sai trĩu quả như tô điểm thêm sắc màu cho vùng cao nguyên đá vốn cằn cỗi và khô hạn.

“Lúc mới trồng tôi được hỗ trợ giống, đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng cây không sử dụng phân hóa học, chất độc hại… Sau 4 tháng, cây phát triển tốt, ra nhiều quả, sau khi thu hoạch công ty thu mua sản phẩm. Vụ ớt năm nay nếu giá giữ nguyên 12.000 đồng/kg, trừ các chi phí thì gia đình tôi thu được khoảng 30 triệu đồng”, anh Hoàng Văn Anh chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Anh bên ruộng ớt của gia đình. 

Toàn xã Nội Thôn có 17 hộ trồng ớt theo mô hình liên kết trên, với diện tích gần 5ha. Từ khi triển khai, bà con đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, dần hình thành tư duy về sản xuất. Việc đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như cây ớt vào sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng để ổn định cuộc sống người dân. “Thời gian tới, xã dự định xây dựng kế hoạch, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích để cây trồng giống mới thực sự thay thế những cây trồng kém hiệu quả ở địa phương”, đồng chí Dương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nội Thôn cho biết.

Cây ớt có thể trồng ở độ cao tới 2.000m so với mặt nước biển, phù hợp với đất ruộng, đất vườn, đất bạc màu, đồi núi… Thời gian sinh trưởng ngắn, hạn chế công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp so với nhiều cây trồng khác. Cây ớt nếu được thu mua với giá sàn từ 10.000 đồng/kg sẽ cho giá trị trên 10 triệu đồng/1.000m2, là nguồn thu nhập đáng kể đối với bà con vùng cao.

“Cấp ủy, chính quyền địa phương đang triển khai khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích các cây trồng theo chuỗi giá trị, trong đó, ớt là một trong những cây chủ lực. Huyện sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu và bố trí mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến”, đồng chí Phạm Xuân Tùng, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng nêu rõ.

Việc trồng ớt hữu cơ theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã và đang mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân nơi vùng cao của tỉnh Cao Bằng mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn.

Bài, ảnh: VĂN HIỂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.