Dịp này, Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao Bằng chứng nhận và Kỷ niệm chương xác lập kỷ lục Màn đồng diễn hát Then, đàn Tính có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng” cho UBND tỉnh Cao Bằng.

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ, diễn viên quần chúng tham gia hát Then, đàn Tính. 

Chương trình hát Then, đàn Tính năm 2023 gồm các ca khúc: Ánh trăng Bản Giốc (sáng tác Phạm Tịnh); Đường về bản em (sáng tác Đàm Thanh); Hoa rừng quê em (sáng tác Hoa Cương). Tham gia Chương trình có 1.000 nghệ sĩ và diễn viên quần chúng, đều mặc trang phục nguyên gốc Tày, Nùng cùng biểu diễn. Đây là hoạt động điểm nhấn của Lễ hội thác Bản Giốc năm 2023.

Hoạt động nhằm quảng bá vẻ đẹp của thác Bản Giốc nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung để thu hút du khách đến với huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là dịp tuyên truyền, gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống hát Then, đàn Tính, góp phần quảng bá rộng rãi loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển du lịch ở địa phương, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Ngày 12-12-2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota, Thủ đô nước Cộng hòa Colombia, “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tại Cao Bằng, Then Tính là làn điệu dân ca đặc sắc của người Tày, Nùng. Hát Then chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú và đa dạng của người dân nơi đây; thường được biểu diễn trong các ngày Lễ, Tết, chúc thọ của đồng bào dân tộc. Làn điệu Then mượt mà, sâu lắng, cùng âm sắc cao vút của đàn Tính đã thu hút, in đậm trong tâm trí của các thế hệ người dân tỉnh Cao Bằng và du khách trong và ngoài nước.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.