Quyết tâm xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Xã Cán Chu Phìn có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khá cao; đời sống của đồng bào còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như tang ma kéo dài, người chết không đưa vào áo quan; vẫn còn tồn tại tình trạng tảo hôn; người dân bị kẻ xấu dụ dỗ đi theo tà đạo “San sư khẻ tọ”... Những hủ tục này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân...

Lãnh đạo Huyện ủy, các đơn vị huyện Mèo Vạc (Hà Giang) thăm, tặng quà động viên từ hộ gia đình từ bỏ tà đạo, quay lại phong tục truyền thống dân tộc Mông tại thôn Lủng Thà, xã Cán Chu Phìn. 

Với quyết tâm xây dựng cuộc sống mới và thực hiện Đề án số 23, ngày 22-6-2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025”; Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc Hà Giang, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao đồng bào dân tộc Mông nơi đây, Cán Chu Phìn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trước đây, xã có 5 hộ gia đình bị các đối tượng xấu dụ dỗ đi theo tà đạo “San sư khẻ tỏ”, từ bỏ tín ngưỡng truyền thống dân tộc Mông từ những năm 1990. Nguyên nhân chủ yếu do người dân kém hiểu biết, đời sống khó khăn nên bị các đối tượng xấu lôi kéo. Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ, tình cảm chân thành của cán bộ, lãnh đạo địa phương, xã đã xóa bỏ thành công tà đạo này ra khỏi địa bàn.

Anh Hờ Mí Tủa, người dân tộc Mông, thôn Lủng Thà, một trong những hộ gia đình đã tự nguyện từ bỏ tà đạo quay lại phong tục truyền thống bày tỏ: “Được cán bộ tuyên truyền, phân tích tận tình mình cũng đã hiểu đi theo tà đạo là sai, là trái pháp luật; mình phải giữ gìn văn hóa tốt đẹp của đồng bào mình như thờ cúng tổ tiên, treo vải đỏ… Việc thờ cúng tổ tiên là thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính người đã sinh thành, nuôi dưỡng”.

Đến nay, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã hoàn thành 100% việc bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, 90% tuyến đường nội thôn và hơn 70% đường nội đồng. 

Không chỉ thực hiện thành công xóa bỏ tà đạo ra khỏi địa bàn, đồng bào Mông còn thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, như: Đám ma được tiến hành không quá 48 tiếng; tổ chức đám với việc tiết kiệm, hạn chế giết mổ gia súc; đám cưới không thách cưới cao. Đồng thời, quyết liệt trong xóa bỏ hủ tục tảo hôn, tích cực vận động con em đến trường tìm cái chữ…

Ông Vừ Mí Hờ, trưởng thôn Sán Sì Lủng, là một trong những trưởng thôn tiêu biểu trên địa bàn xã Cán Chu Phìn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong vận động đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh cho biết: “Để bà con tin tưởng nghe theo, trước hết bản thân, gia đình, dòng họ mình phải gương mẫu đi đầu. Đồng thời, kiên trì tuyên truyền để bà con hiểu rõ cái tốt thì lưu giữ, phát huy, còn hủ tục thì bà con xóa bỏ”.

Huy động sức mạnh từ sự đoàn kết trong nhân dân

Với đặc thù là xã vùng cao núi đá, với 12 thôn, cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện; sự quan tâm của cấp trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương; đặc biệt là sự đồng thuận, nhất trí cao của đồng bào để làm mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.

Từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng bà con nhân dân thôn Tìa Chí Đùa, xã Cán Chu Phìn đã bê tông hóa tuyến đường vào thôn. 

Trong những năm qua, các thôn trên địa bàn xã đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được thụ hưởng gắn nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn thôn được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không để xảy ra vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp; đồng thời diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên. Đến nay, các thôn trên địa bàn xã đã hoàn thành 100% việc bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, hơn 90% tuyến đường nội thôn và hơn 70% đường nội đồng.

Thôn Cán Chu Phìn có hơn 130 hộ, 100% là người dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 60%; đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân để làm các công trình chung là rất khó khăn; tuy nhiên, nhờ có nguồn kinh phí DVMTR đã giúp thôn từng bước tháo gỡ được khó khăn này.

Ông Thò Mí Xá, trưởng thôn Cán Chu Phìn, cho biết: “Việc sử dụng nguồn tiền DVMTR vào nhiệm vụ phát triển chung của thôn được thôn họp bàn, thống nhất và bà con nhất trí cao; trước hết thôn ưu tiên làm đường bê tông, hỗ trợ các hộ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh… Từ khi có đường bê tông bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, giúp bà con đi lại dễ dàng, nhất là trong việc buôn bán hàng hóa, thu hoạch mùa màng, trẻ em đến trường…”.

Việc bê tông hóa các tuyến đường liên thôn đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống. 

Tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Xác định việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) vừa là cơ hội, song cũng là động lực để các hộ nghèo trên địa bàn của xã vươn lên. Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; công khai minh bạch các dự án, cấp ủy, chính quyền xã Cán Chu Phìn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các hộ tham gia chương trình. Cũng nhờ đó, sau hơn 2 năm triển khai, nhiều hộ gia đình của xã đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn chương trình MTQG.

Thực hiện 3 chương trình MTQG trong các năm 2022, 2023 và năm 2024, xã Cán Chu Phìn được UBND huyện Mèo Vạc phân bổ hơn 14 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án. Trong đó, đối với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã tiến hành xây dựng 4 nhà văn hóa thôn tại thôn Đề Chia, Tìa Chí Đùa, Mèo Qua, Sán Sì Lủng; các công trình đã hoàn thành và đưa vào phục vụ đời sống của bà con.

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc kiểm tra dự án chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. 

Chương trình, dự án thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã thực hiện xây dựng 2 nhà văn hóa thôn, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 4 hộ gia đình; hỗ trợ mua téc nước cho các gia đình; hỗ trợ mua bò giống, lợn sinh sản tại các thôn Há Dấu Cò, Làn Chải. Triển khai các gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em; thành lập và duy trì hoạt động của 12 tổ truyền thông cộng đồng… Đồng thời, xã cũng tập trung thực hiện hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất về chăn nuôi bò vỗ béo, lợn sinh sản, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo… thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Gia đình anh Vừ Mí Vư là 1 trong 19 hộ gia đình ở thôn Cán Chu Phìn được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình MTQG để chăn nuôi bò vỗ béo. Anh Vư chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình tôi đã sửa sang lại chuồng trại, đi mua bò gầy về để vỗ béo; từ tháng 11-2022 đến nay gia đình tôi đã bán được 2 lần và thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi; nhờ đó tôi có thêm tiền để sửa sang lại nhà cửa”.

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc, lãnh đạo xã Cán Chu Phìn kiểm tra công trình nhà văn hóa thôn Há Ía.

Ông Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: “Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, xã đã thực hiện giải ngân dựa trên kết quả nghiệm thu; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân. Đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên của các hộ gia đình. Nhờ đó, trong năm 2023, xã đã có 6% hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có 1.242 hộ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76%; trong năm 2024 xã đề ra mục tiêu giảm 7,5% số hộ nghèo”.

Qua các cuộc kiểm tra thực tế của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc về công tác triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn xã cho thấy, các mô hình dự án chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi lợn sinh sản cho thấy đàn gia súc đang phát triển tốt; các công trình nhà văn hóa thôn, hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng đảm bảo chất lượng, bước đầu mang lại thu nhập cho bà con. Cán Chu Phìn được đánh giá là “điểm sáng” trong thực hiện chương trình MTQG của Mèo Vạc.

Qua kiểm tra thực tế các Chương trình MTQG trên địa bàn xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho thấy, đàn gia súc đang phát triển tốt; các công trình nhà văn hóa thôn, nhà ở cho hộ nghèo…  đảm bảo chất lượng. 

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn Vàng Mí Trạ, xác định các Chương trình MTQG có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là địa bàn có gần 100% đồng bào dân tộc Mông như Cán Chu Phìn. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, giải ngân đảm bảo đúng đối tượng, minh bạch, đúng nguồn vốn.

Từ những chủ trương, chính sách đúng, trúng của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo địa phương đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin với đồng bào Mông vào cấp ủy, chính quyền các cấp và là nền tảng để đồng bào thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo, mở ra cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững, chung tay bảo vệ biên cương của Tổ quốc.  

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.