Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với tỷ lệ đồng bào DTTS cao, hạ tầng kinh tế-xã hội một số địa phương còn hạn chế, huyện Mang Yang đã gặp khó khăn gì trong xây dựng làng NTM ở vùng DTTS?
 |
Đồng chí Lê Trọng. |
Đồng chí Lê Trọng: Huyện Mang Yang là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh Gia Lai, trong đó chủ yếu là dân tộc Ba Na. Nhiều vùng DTTS của huyện không chỉ kinh tế-xã hội chậm phát triển mà còn tồn tại nhiều hủ tục, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa gần như một ốc đảo, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Cùng với đó, nguồn lực của địa phương còn hạn chế, đại dịch Covid-19 kéo dài khiến giá cả hàng hóa, vật tư nông nghiệp tăng mạnh; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp... là những rào cản trong xây dựng làng NTM ở vùng DTTS.
PV: Vậy kết quả xây dựng làng NTM ở vùng DTTS của huyện Mang Yang thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Trọng: Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mang Yang đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng làng NTM trong vùng DTTS. Ngay trong năm 2018, UBND huyện thành lập tổ khảo sát tiến hành khảo sát và chọn làng Brếp (xã Đak Djrăng) làm điểm xây dựng làng NTM vùng DTTS.
Tổ chức cho đội ngũ cán bộ từ bí thư chi bộ, thôn trưởng, các chi hội đến lãnh đạo huyện tham quan, học tập xây dựng làng NTM ở huyện Phú Thiện (địa phương làm điểm của tỉnh); phân công cán bộ và các phòng chức năng của huyện giúp đỡ làng Brếp để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTM. Tổ chức xây dựng đường giao thông nông thôn; sửa chữa, xây mới cổng, hàng rào, công trình vệ sinh nhà văn hóa; lắp đặt các cụm loa phát thanh; hỗ trợ xây mới hai ngôi nhà cho gia đình chính sách; xây dựng các mô hình nuôi bò, dê, phát triển theo chuỗi sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo... Nhờ đó, đến cuối năm 2018, làng Brếp hoàn thành 19 tiêu chí NTM và được huyện công nhận làng đạt chuẩn NTM năm 2018.
 |
Các đơn vị Quân đội tích cực hỗ trợ huyện Mang Yang (Gia Lai) xây dựng làng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Ngô Đức Thành
|
Trên cơ sở cách làm, bài học kinh nghiệm ở làng Brếp, từ năm 2019 đến 2023, huyện Mang Yang đã lập đề án xây dựng NTM ở 13 làng DTTS. Nhưng so với Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 thì đến nay chỉ có 7 làng và 4 xã đạt chuẩn, các làng khác còn một số tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư, y tế thôn bản... không đạt. Mặc dù các làng trong đề án không đạt chuẩn NTM nhưng trên thực tế, hạ tầng kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân đã được nâng lên một bước. Song, so với yêu cầu Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mang Yang phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn và có cách làm sáng tạo hơn.
PV: Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra yêu cầu cao như vậy, huyện Mang Yang có chủ trương, giải pháp gì để thực hiện?
Đồng chí Lê Trọng: Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã tăng cả số lượng chỉ tiêu và chất lượng tiêu chí, hướng đến phát triển khu vực nông thôn toàn diện, bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn, truyền thống của các dân tộc. Ví dụ, thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 48 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020)...
Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn trong xây dựng làng NTM ở vùng DTTS huyện Mang Yang. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mang Yang xác định quyết tâm giữ vững 19/19 tiêu chí của 7 làng đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2022 và phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 15 làng đạt chuẩn, trong đó có 1 làng kiểu mẫu.
Có nhiều giải pháp được quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt từ huyện đến cơ sở. Trong đó đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, làm thay đổi căn bản nhận thức, tư tưởng của đồng bào, nhất là ý thức tự chủ, tự trọng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Phân công, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ các làng vùng DTTS thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí.
Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ, tăng cường liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Huy động nguồn lực từ Trung ương đến tỉnh, huyện, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn nguồn lực của xã, nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tập trung cho xây dựng cảnh quan môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.