Bộ mặt nông thôn khởi sắc

 Đồng bào Chăm An Giang sinh sống tập trung tại 5/11 huyện, thị xã, thành phố (Long Xuyên, Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành); sống quần tụ, hình thành 9 làng Chăm cặp ven sông Hậu, phần lớn đồng bào sống bằng nghề buôn bán nhỏ, làm ruộng và tiểu thủ công nghiệp (dệt, thêu). Toàn tỉnh có 28 cơ sở thờ tự, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) cấp tỉnh và có hơn 100 vị chức sắc, chức việc.

Cùng đồng chí Nguyễn Nhu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đa Phước (huyện An Phú) đi trên những con đường vào làng Chăm, chúng tôi nhận thấy các tuyến đường đều được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, xanh, sạch. “Làng Chăm Đa Phước tập trung nhiều nhất tại ấp Hà Bao 2, là một trong những làng có từ lâu đời, nhưng vẫn giữ được bản sắc. Từ một làng còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao... những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, làng Chăm Đa Phước đã được quan tâm, đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Nơi đây không chỉ có những thánh đường uy nghiêm, đồng bào Chăm Đa Phước còn được biết đến là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng bởi những sản phẩm may, đan, thêu, kết cườm trên trang phục truyền thống người Hồi giáo. Năm 2023, Đa Phước được nâng lên thị trấn, qua đó đã mở ra nhiều cơ hội cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhờ đó đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhất là đối với đồng bào dân tộc Chăm”, đồng chí Nguyễn Nhu nói.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Nét văn hóa truyền thống đồng bào Chăm luôn được giữ gìn và phát huy.

Trao đổi với các đồng chí trong Ban Dân tộc tỉnh An Giang, chúng tôi được biết, cùng với việc tập trung mọi nguồn lực, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển KT-XH trong đồng bào dân tộc Chăm. Nổi bật là, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí 8,2 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho hơn 300 hộ, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động với kinh phí hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 64 hộ với kinh phí 512 triệu đồng; xây tặng 1.165 căn nhà cho gia đình khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng đã triển khai “Dự án phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho người dân tộc Khmer và Chăm” để hỗ trợ phát triển Hợp tác xã dệt thêu Châu Giang; đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Chăm; xây dựng trường học cho các cấp học và được miễn học phí. Những năm qua, có 8 em được cử tuyển học đại học và 14 em học dự bị đại học, nhiều trường hợp xin đi du học ở nước ngoài...

“Các chính sách an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Chăm ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm, năm 2023, có 195 hộ (chiếm 5,57%) và 213 hộ cận nghèo (chiếm 6%). Đến nay, 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm đều có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước với hơn 90% hộ được lắp đặt điện kế và nước sạch sử dụng; đường giao thông được nhựa hóa hoàn toàn rất thuận lợi trong việc đi lại; có 3/8 xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống được công nhận nông thôn mới”, đồng chí Chau Anne, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết.

Ông Mohamach, ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) chia sẻ: “Những năm gần đây, đồng bào Chăm ở địa phương cũng đã tiếp thu những nét mới trong sinh hoạt văn hóa. Nhiều gia đình đã đơn giản các nghi lễ trong phong tục cưới hỏi. Chúng tôi tiếp thu và chọn lọc, song vẫn quyết tâm giữ bản sắc truyền thống. Ví dụ như nghề dệt thổ cẩm, mặc dù thu nhập thấp, thị trường buôn bán khó khăn, nhưng gia đình tôi vẫn giữ lại. Nhờ lồng ghép vào sản phẩm những nét văn hóa đặc sắc nên khách hàng rất ưa thích. Nghề dệt thổ cẩm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để đồng bào Chăm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống”.

Chung sức của lực lượng vũ trang

Nhân dịp đón mừng tháng Ramadan năm 2024 (từ ngày 11-3 đến 11-4 hằng năm), Bộ CHQS tỉnh An Giang đã tổ chức đoàn cán bộ đến xã Châu Phong thăm hỏi, tặng quà Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang. Cùng những lời ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của các vị giáo cả và bà con tín đồ cộng đồng Chăm, đồng chí trưởng đoàn mong muốn đồng bào dân tộc Chăm luôn phát huy tinh thần, tích cực tham gia đóng góp vào phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh.

leftcenterrightdel
 Bộ CHQS tỉnh An Giang thăm hỏi Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh.

Theo Đại tá Chau Chắc, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang, thực hiện chức năng “đội quân công tác”, hằng năm, cùng với việc thăm hỏi, tặng quà vào mỗi dịp lễ, tết, LLVT tỉnh An Giang thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác dân vận bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả thông qua các phong trào: “LLVT chung sức xây dựng nông thôn mới”, “LLVT chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, mô hình “Tết quân dân”... Các hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Chăm với Đảng, Nhà nước, Quân đội, với cấp ủy, chính quyền địa phương.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các thánh đường, tiểu thánh đường nhân dịp tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji; tổ chức các đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, cấp thuốc; tặng quà các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động sửa chữa, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm tình thương”. LLVT tỉnh còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vốn sản xuất, làm ăn, mua bán nhỏ, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc Chăm; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức chuyến xe “Ấm tình hậu phương”, tặng 1.500 suất quà để hỗ trợ đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...”, Đại tá Chau Chắc chia sẻ.

leftcenterrightdel
Bộ CHQS tỉnh An Giang thăm hỏi, tặng quà Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh. 

Bà Sity Hara, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Chăm (tỉnh An Giang) phấn khởi nói: “Đồng bào dân tộc Chăm là một cộng đồng nhỏ nhưng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cấp chính quyền, nhất là của LLVT tỉnh. Thông qua thực hiện các phần việc đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa LLVT với đồng bào, làm cầu nối giữa cơ sở với cấp ủy, chính quyền địa phương, vượt qua khó khăn, phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

leftcenterrightdel
Ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm và là địa chỉ nổi tiếng với khách du lịch.

Hiệu quả từ Phong trào “Dân vận khéo” không chỉ làm cho bà con tin yêu hơn về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà còn góp phần quan trọng giúp LLVT tỉnh An Giang hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. “Để công tác dân vận trên địa bàn đồng bào dân tộc Chăm phát huy hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra các giải pháp phù hợp; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. LLVT tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác huấn luyện, hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác vận động quần chúng”, Đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang khẳng định.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - PHONG PHÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.