Thôn vùng cao Nà Cáy của xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông là nơi có 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thôn nằm cách trung tâm xã Cao Sơn 14km, giao thông đi lại rất khó khăn, chính vì vậy, đa số học sinh ở thôn Nà Cáy thường theo học tại các trường gần hơn, thuộc xã Mỹ Thanh (Bạch Thông). Bên cạnh đó, do cuộc sống của nhiều gia đình trong thôn còn khó khăn, nên nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì con đường đến trường của các em học sinh sẽ vô cùng gập ghềnh. Anh Hoàng Nguyên Thủy, có con là Hoàng Thông Hà, hiện đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học và THCS xã Mỹ Thanh cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn, may mắn là con tôi thuộc diện được miễn, giảm học phí nên cháu mới có thể tiếp tục được theo học...”.

 Cô và trò Trường Mầm non Bộc Bố, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) trong ngôi trường kiên cố, khang trang.

Trường Tiểu học Thuần Mang, xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn) được xây dựng cách đây hơn 30 năm nên cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng. Trước thực trạng này, chính quyền và các cơ quan chức năng đã đầu tư 20 tỷ đồng xây dựng hai dãy nhà kiên cố giúp nhà trường đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, hướng tới mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, các em học sinh còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để yên tâm đến trường. Thầy giáo Chu Ngọc Đường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuần Mang cho biết: “Toàn trường có 244 học sinh, chỉ có 4 em là người dân tộc Kinh, còn lại đều là con em đồng bào DTTS, trong đó 50% là đồng bào Mông. Thực hiện các chính sách dành cho con em đồng bào DTTS, hiện nay, các em học sinh của nhà trường không chỉ được miễn hoàn toàn học phí mà còn được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/em/tháng trong 9 tháng của năm học. Đặc biệt, gần 130 học sinh đang ở bán trú còn được hỗ trợ 15kg gạo/em/tháng. Nếu không có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì nhiều gia đình thuộc diện khó khăn ở vùng cao sẽ không thể lo cho con em tiếp tục theo học”. Gần Trường Tiểu học Thuần Mang, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang cũng đang được đầu tư xây dựng khu nhà ở bán trú kiên cố gồm 6 phòng (mỗi phòng dành cho 8 học sinh). Chính quyền địa phương và đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hai tháng nữa là có thể bàn giao, đưa công trình vào sử dụng. Em Bàn Huyền Thương, học sinh Lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang chia sẻ: “Chúng em rất háo hức chờ đợi khu nhà bán trú hoàn thành, đưa vào sử dụng. Có chỗ ở kiên cố, khang trang sẽ giúp chúng em yên tâm học tập hơn”.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, giúp các em học sinh vùng DTTS tiếp tục được đến trường. Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 50.554 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 62 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho hơn 26.600 lượt học sinh, trẻ mầm non với tổng kinh phí gần 95 tỷ đồng... Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Thực hiện Tiểu dự án 1 (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS) của Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai xây mới được 8 trường học (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 trường, 2 trường đang triển khai thi công theo kế hoạch). Giai đoạn 2023-2025, tỉnh thực hiện xây mới và sửa chữa, nâng cấp 17 trường, đến nay đã triển khai thi công 6 trường, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công 8 trường, 3 trường đang thực hiện các thủ tục theo quy định”.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp các em học sinh vùng DTTS và miền núi ở tỉnh Bắc Kạn vơi bớt khó khăn trên hành trình đi tìm con chữ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bài và ảnh: TRUNG DƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.