Để giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia; trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025; huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ việc làm, sinh kế cho người lao động; trong đó, việc tổ chức các ngày hội việc làm để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và lao động được huyện chú trọng.

leftcenterrightdel
Thông qua ngày hội việc làm, nhiều lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tìm được công việc phù hợp. 

Nhằm tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tìm việc làm cho lao động; trong ngày hội việc làm có sự góp mặt của hàng chục gian hàng là các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đến từ các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Giang. Tại đây, người lao động được các công ty, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin về thị trường lao động; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nhu cầu cần tuyển dụng các vị trí việc làm; với đa dạng các ngành nghề như: Thương mại dịch vụ; công nhân điện tử, cơ khí may mặc, nhân viên quản lý hành chính; xuất khẩu lao động sang một số thị trường nước ngoài…

Có mặt trong ngày hội giới thiệu việc làm được huyện Mèo Vạc tổ chức vào tháng 2 vừa qua, anh Hoàng Văn Chung, lao động đến từ xã Tát Ngà chia sẻ: “Ngày hội việc làm là cơ hội để bản thân tôi và các lao động khác được tìm hiểu và lựa chọn công việc phù hợp với bản thân”.

leftcenterrightdel

Ngày hội việc làm còn tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số lựa chọn được ngành nghề phù hợp. 

Là địa phương có chủ yếu lao động nông nghiệp, bên cạnh lựa chọn đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, nhiều lao động trên địa bàn lựa chọn sang Trung Quốc làm việc theo Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Công việc của người lao động khi sang Trung Quốc làm việc chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp như: Trồng và chăm sóc rau, trồng cây, bóc vỏ cây, chặt mía, cây ăn quả… Mức tiền công bình quân từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng; người lao động tham gia làm việc dưới sự bảo hộ của công ty, được hỗ trợ làm thủ tục xuất, nhập cảnh, chỗ ở, 2 bữa ăn/ngày và được hưởng chế độ quyền lợi theo luật lao động quốc tế...

Hiện nay, việc đưa lao động đi làm việc tại Trung Quốc là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động vừa khắc phục tình trạng người lao động vượt biên trái phép và những vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự trên khu vực biên giới.

leftcenterrightdel
Bên cạnh kết nối, giới thiệu việc làm công tác đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn địa phương cũng được huyện Mèo Vạc (Hà Giang) quan tâm. 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện chú trọng; trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện đã mở 20 lớp đào tạo nghề cho 700 lao động (trong đó, lao động hộ nghèo là 450 người, hộ cận nghèo là 30 người và hộ mới thoát nghèo là 220 người). Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các nguồn vốn, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; tổ chức các hội nghị, hội chợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc tại các công ty trong nước và ngoài nước…

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động… từ đầu năm đến nay Mèo Vạc đã giải quyết việc làm cho hơn 8.500 lao động; trong đó, số lao động đi xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh là 7.577 lao động.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Để thực hiện giải quyết việc làm cho người lao động có hiệu quả trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm cho người lao động, chú trọng xuất khẩu lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.