Trong những năm qua, huyện Ia Grai đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2005, gia đình ông Chu Chiều Hạ, dân tộc Dao, di cư từ tỉnh Bắc Kạn vào xã Ia Pếch, huyện Ia Grai lập nghiệp. Từ những ngày đầu trên vùng đất mới với muôn vàn khó khăn, đến nay, gia đình ông Hạ đã có diện tích vườn cây hơn 7ha với các loại cây trồng: Sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Riêng hai năm (2022, 2023) trừ chi phí sản xuất, gia đình ông Hạ lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
 |
Huyện Ia Grai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Chiều Hạ cho biết: "Thành quả của gia đình ông hôm nay ngoài nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thành viên trong gia đình còn có sự đồng hành, hỗ trợ lớn từ cấp ủy, chính quyền, hội nông dân các cấp. Ngay từ năm 2005, khi vào định cư ở xã Ia Pếch, tôi được kết nạp vào hội nông dân của xã và được chính quyền các cấp tạo điều kiện cho tham gia hội thảo, tập huấn đầu bờ về phương pháp trồng, chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng; đi học tập kinh nghiệm từ các hộ gia đình làm kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện; hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp sản xuất hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao...".
Chính sự hỗ trợ của chính quyền, hội nông dân đã giúp ông Hạ từ một người chưa có kiến thức về các loại cây trồng ở vùng Tây Nguyên trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi, có cuộc sống khá giả.
 |
Huyện Ia Grai quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho đồng bào. |
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, đời sống xã hội của đồng bào DTTS thuộc huyện Ia Grai có bước phát triển vượt bậc. Toàn huyện có 8/12 xã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và một xã (xã Ia Khai) đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí, đang chờ tỉnh xét duyệt, công nhận; 40 thôn, làng được UBND huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đạt trên 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,35 triệu đồng/năm. Trong đó, vùng đồng bào DTTS xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình kinh tế hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã có thu nhập ổn định cho nông dân và xã viên. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, sử dụng nước sinh hoạt, điện thắp sáng, nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe...
Theo đồng chí Đào Lân Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai, có nhiều nguyên nhân giúp vùng đồng bào DTTS huyện Ia Grai khởi sắc, nhất là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia phát huy tác dụng; tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung của cả hệ thống chính trị huyện Ia Grai.
Huyện đã phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, các vị già làng, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; huy động nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào...
 |
Hằng năm, huyện Ia Grai tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc kết hợp với liên hoan văn hóa cồng chiêng, tạo sinh kế cho đồng bào. |
Ông Puih Ty, Trưởng thôn làng Bẹk, xã Ia Bă, huyện Ia Grai tâm đắc cho rằng, muốn phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS phải trên dưới cùng làm. Trong đó, đồng bào các DTTS phải có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, tự mình vươn lên, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước, chính quyền địa phương.
Với nhận thức đó, trong 5 năm qua, nhân dân làng Bẹk đã đóng góp tiền của và ngày công, cùng với các nguồn vốn của cấp trên xây dựng 2,75km đường nhựa; 2,4km đường bê tông; lắp đặt 2,6km hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường trong làng với 86 bóng đèn; xây dựng 1 nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích 40m2, khuôn viên rộng 600m2; 1 sân bóng đá; thường xuyên huy động nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường... Nhờ đó, diện mạo của làng Bẹk ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.