Trước hết, Đắk Lắk quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một trường THPT dân tộc nội trú cấp tỉnh (Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng); 15 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS cấp huyện; 4 trường phổ thông dân tộc bán trú và bộ phận học sinh dân tộc bán trú ở 8 trường THPT khác.

Trao xe đạp tặng học sinh người dân tộc thiểu số xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk). 

Theo đồng chí Hà Huy Quang, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2003 đến nay, việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng như triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh người DTTS được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Triển khai chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ gần 10.000 lượt học sinh với kinh phí gần 46 tỷ đồng; tỉnh cũng đã triển khai kịp thời, hiệu quả việc hỗ trợ gạo, cấp phát sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập cho học sinh người DTTS theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nghị định của Chính phủ... Bên cạnh đó, nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho trẻ mầm non, như: Chế độ hỗ trợ học tập, hỗ trợ tiền ăn..., các địa phương đã huy động trẻ em người DTTS đến lớp vượt chỉ tiêu, quy mô trường lớp ngày càng tăng...

Theo đồng chí Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh người DTTS luôn được tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời, mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, trong các năm 2020 và 2021, học sinh phải học trực tuyến do dịch Covid-19, tỉnh Đắk Lắk đã huy động nhiều nguồn lực từ xã hội để chăm lo cho giáo dục, nhất là giáo dục vùng DTTS, trong đó có nhiều việc làm thiết thực như tặng học sinh sách, vở, đồ dùng học tập, điện thoại, máy tính, hỗ trợ internet...

Ngoài ra, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện tốt chính sách cử tuyển; tổ chức hiệu quả việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS... Nhờ thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm, chăm lo của địa phương, giáo dục vùng DTTS ở tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực, nhất là chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao, cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh người DTTS bỏ học.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH