Gương mẫu đi đầu    

Xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa về đích nông thôn mới từ năm 2018 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được hoàn thiện với các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Bài học thành công trong xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Rbol là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó người có uy tín là “đầu tàu” thực hiện.

Ông Ksor Brí, người có uy tín buôn Krăi (xã Ia Rbol) vẫn nhớ những khó khăn trong ngày đầu vận động đồng bào xây dựng nông thôn mới, nhất là việc hiến đất làm trường học, xây nhà sinh hoạt cộng đồng, chuyển đổi mô hình sản xuất... vì bà con vẫn hoài nghi tính hiệu quả và chưa thấy ai làm gương. Để gỡ “nút thắt” này, ông Ksor Brí đã tự nguyện hiến 600m2 đất làm trường học, vận động anh em trong dòng họ hiến 500m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Chứng kiến bà con được thụ hưởng nhiều lợi ích từ xây dựng nông thôn mới, ông Ksor Brí phấn khởi nói: “Chủ trương của Đảng đúng đắn nhưng muốn lòng dân đồng thuận, tin theo thì cán bộ, đảng viên, người có uy tín phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, lời nói phải đi đôi với việc làm. Thậm chí phải chịu thiệt, phải hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng”.  

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai gặp mặt, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ĐỨC THỤY 

 

Ở làng Dur, xã Glar, huyện Đak Đoa, ông Alữt được bà con xem như “người cha tinh thần”. Ông là “cán cân” trong giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn gia đình. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, ông Alữt đã tham gia hòa giải thành công 7 vụ mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình, góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư. Ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện làng Dur có 2 nghệ nhân chỉnh chiêng, hơn 100 nghệ nhân hát dân ca, dân vũ; duy trì một đội cồng chiêng và một tổ dệt thổ cẩm. “Khi bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy làm cho đời sống tinh thần tốt lên thì hủ tục lạc hậu, cái xấu trong cộng đồng sẽ ít dần và biến mất”, ông Alữt tâm niệm.   

“Tài sản quý” của đồng bào

Ông Ksor Brí và Alữt là hai trong tổng số 955 người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh Gia Lai. Lực lượng này được xem là “tài sản quý” trong vùng đồng bào DTTS với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương. Đặc biệt là trong tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, đội ngũ người có uy tín đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân hiến 132.963m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng và tham gia hơn 47.000 ngày công để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, người có uy tín còn giúp đỡ hơn 20.000 hộ nghèo đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Nhiều “điểm nóng”, nhiều vấn đề khó khăn, nhạy cảm, phức tạp ở vùng đồng bào DTTS được giải quyết triệt để nhờ người có uy tín đồng hành, gánh vác cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp.

Lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai cho rằng, người có uy tín trong đồng bào DTTS như “trụ cột” của thôn làng, là cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào, là trung tâm đoàn kết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đồng chí Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai, để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, bên cạnh tổ chức các hội nghị gặp mặt, tôn vinh, khen thưởng ở các cấp như hiện nay thì cần phải tập huấn, bồi dưỡng và có chế độ phụ cấp cho người có uy tín. Đồng quan điểm, Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15)-đơn vị có nhiều hoạt động phối hợp với già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn, chia sẻ: “Để phát huy tốt vai trò của người có uy tín phải giải quyết được hai vấn đề. Một là, phải trang bị kiến thức cho họ. Hai là, thường xuyên khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ làm việc. Những năm qua, Công ty Bình Dương đã đẩy mạnh công tác phổ biến, cập nhật kiến thức kinh tế-xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho người có uy tín. Mặt khác, chăm lo động viên họ bằng những việc làm cụ thể như: Hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhận con cháu vào làm công nhân, tặng quà nhân dịp lễ, tết...”.

NGUYỄN ANH SƠN