Chủ trương này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có lương thực, từng bước thoát nghèo mà còn thể hiện quan điểm nhất quán gắn bó, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân của Công ty 72.

Chúng tôi đến xã biên giới Ia Pnôn, huyện Đức Cơ đúng vào thời điểm bà con thu hoạch lúa và hoa màu trên những vườn cây cao su kiến thiết cơ bản của Đội sản xuất 711 (Công ty 72). Hàng chục héc-ta lúa trải vàng óng ánh, tiếng nói cười rộn vang cả một vùng, không khí ngày mùa làm cho mọi người thấy vui và ấm áp. Chị Rơ Mah Pie, người dân tộc Gia Rai, ở làng Chan, xã Ia Pnôn dừng tay hái, gạt những giọt mồ hôi trên má cười nói: “Gia đình em được Công ty 72 cho trồng lúa xen canh trên 2ha diện tích vườn cây cao su trồng mới của đơn vị, năng suất ước đạt gần 3 tấn/ha. Vậy là gia đình em có gần 6 tấn lúa rồi, không lo đói nữa”. Tiếp lời vợ, anh Rơ Lan Nguyên cho hay, trong làng Chan có nhiều hộ gia đình nhờ Công ty 72 cho mượn vườn cây cao su kiến thiết cơ bản trồng lúa, hoa màu mà thoát được đói ở thời điểm giáp hạt, một số hộ còn vươn lên thoát nghèo. Bà con vui lắm và gọi những vườn cây này là vườn cây xóa đói, giảm nghèo.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Công ty 72 cùng người dân thu hoạch lúa trồng trên vườn cây cao su kiến thiết cơ bản của đơn vị.  

Chị Rơ Châm H’Piu, người dân tộc Gia Rai, ở làng Bua, xã Ia Pnôn khoe với chúng tôi, hôm nay, gia đình chị có người thân ở huyện Chư Prông (Gia Lai) về giúp thu hoạch lúa. Mọi người nói với nhau rằng, việc làm của Công ty 72 rất thiết thực và mang lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho nhiều người dân. “Nếu không có 2ha đất Công ty 72 cho mượn để trồng lúa thì gia đình mình phải mua gạo ngoài chợ; 5 miệng ăn, trong đó có mẹ già, con nhỏ nhiều khi đứt bữa vì không có tiền. Giờ thì mình có gần 6 tấn lúa, ăn đến tận sang năm”, chị Rơ Châm H’Piu chia sẻ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không riêng gì gia đình chị Rơ Mah Pie và chị Rơ Châm H’Piu mà đã có hàng nghìn lượt gia đình công nhân, hộ đồng bào DTTS khó khăn được Công ty 72 cho trồng xen canh lúa, hoa màu trên vườn cây cao su tái canh. Chỉ tính riêng năm 2023, đã có 754 hộ gia đình, trong đó 556 hộ là người đồng bào DTTS ở các xã biên giới huyện Đức Cơ mượn 377ha vườn cây cao su kiến thiết cơ bản để sản xuất. Mỗi héc-ta mang lại thu nhập cho bà con 30-32 triệu đồng, tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu tương đối lớn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực ở vùng DTTS và khu vực biên giới. 

Theo Trung tá Phạm Văn Hưng, Đội trưởng Đội sản xuất 711 (Công ty 72), bà con trồng lúa, hoa màu trên vườn cây cao su kiến thiết cơ bản có nhiều thuận lợi so với canh tác ở nơi khác. Toàn bộ vườn cây đã được Công ty làm đất, làm cỏ, bón phân nên lúa và hoa màu tăng trưởng nhanh, năng suất cao. Khi bà con canh tác trên vườn cây Công ty cho mượn thì được các đội sản xuất, Công ty bảo vệ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời huy động ngày công, nhất là phát huy vai trò của các cặp hộ gắn kết giúp nhau chăm sóc, thu hoạch. Vì vậy, hầu hết gia đình công nhân, người dân trên địa bàn đều muốn mượn vườn cây cao su kiến thiết cơ bản để sản xuất. Nhưng vì diện tích có hạn nên Công ty xét ưu tiên những gia đình công nhân, người DTTS thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác.

Thượng tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 72 cho biết, với phương châm Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 72 đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai nhiều mô hình, chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ngoài cho nhân dân mượn vườn cây cao su kiến thiết cơ bản để phát triển sản xuất, Công ty 72 đã phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công ty huy động nhiều nguồn lực và hàng nghìn ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp nhân dân định canh, định cư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Triển khai Tiểu dự án 3 (thuộc Dự án 3) "phát triển kinh tế-xã hội, mô hình bộ đội gắn với dân bản", trong hai năm 2022 và 2023, Công ty 72 đã hỗ trợ 73 con bò giống sinh sản cho 73 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Đức Cơ, tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Công ty 72 đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cũng là 2 xã đầu tiên của huyện Đức Cơ đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.