Thượng tá Nguyễn Quang Tú, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 (đứng bên phải) cùng lãnh đạo địa phương động thổ xây nhà cho người dân.  

Già làng Ksor H’BLăm, ở làng vùng biên Krông, xã Ia Mơ hiểu rõ hơn ai hết những đổi thay trên quê hương mình. Theo già làng H’BLăm những đổi thay đó, ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với những chủ trương, chính sách đúng đắn thì còn có đóng góp không nhỏ của Trung đoàn 710.

“Già sống trên địa bàn biên giới lâu rồi, bao đời nay người dân vẫn bám đất, bám làng mà lao động sản xuất, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ khi có Trung đoàn 710, cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Đơn vị không những ưu tiên tuyển nhận bà con vào làm công nhân có thu nhập ổn định hằng tháng mà còn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, phân bón, cây giống, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Những ngôi làng, điểm dân cư ở vùng biên được xây dựng với hệ thống điện, đường khang trang đã làm cho biên giới vững hơn, yên vui hơn”, già làng Ksor H’BLăm phấn khởi nói.

Chị Siu H’Phiếu (ngồi bên phải) trò chuyện với cán bộ Trung đoàn 710.

Chị Siu H’Phiếu, ở khu dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ cho biết, cuộc sống của gia đình chị ngày càng tốt lên nhờ vào làm công nhân cho Trung đoàn 710. “Vợ chồng mình nhận hai suất cạo mủ cao su, mỗi suất có tiền lương 7 triệu đồng/tháng. Nhờ có tiền lương mà mình lo cho con ăn học, mua sắm được một số dụng cụ sinh hoạt trong gia đình. Bố mẹ mình có 5 anh em, đều lập gia đình hết rồi, ai cũng tham gia làm thợ khai thác mủ cao su cho Trung đoàn nên cuộc sống cũng khấm khá hơn”, chị Siu H’Phiếu chia sẻ.

Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Tú, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 710 chúng tôi được biết, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, trong những năm qua, Trung đoàn 710 đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình, cách làm hay để giúp nhân dân như: Hỗ trợ xây dựng cầu suối đục, sửa đường giao thông Tỉnh lộ 665, làm trạm biến áp, đường điện hạ thế, làm nhà ở công nhân, nhà trẻ, mẫu giáo; quyên góp xây dựng 5 cổng làng, sửa chữa đài tưởng niệm của xã Ia Mơ.

Hỗ trợ kinh phí xây tặng 6 nhà tình nghĩa tại xã Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Piơr; tổ chức trao tặng 27 con bò giống sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và hỗ trợ 3 cháu theo Chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Xây dựng các cụm, điểm dân cư, làm mới đường giao thông, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai… với số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Trung đoàn 710 hỗ trợ nhân dân xây dựng nông thôn mới. 

Thực hiện các mục tiêu của dự án khuyến nông, khuyến lâm bằng nguồn vốn 135 và vốn đầu tư của Dự án Kinh tế-Quốc phòng Nam Chư Prông từ năm 2004-2006, Trung đoàn 710 đã hỗ trợ khai hoang, cải tạo đồng ruộng 118ha cho 180 hộ nghèo, 365ha ngô lai, bông vải, mì cao sản cho 218 hộ, hỗ trợ cày 478ha cho 265 hộ, giảm được 50% giá thành, chăn nuôi đàn bò lai 400 con, trong đó đầu tư 144 con cho 90 hộ nghèo chăn nuôi...

Đặc biệt, hiện nay 6 đội sản xuất của Trung đoàn đã kết nghĩa với 5 làng đồng bào dân tộc Jrai; duy trì 36 cặp hộ người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thông qua kết nghĩa, gắn kết hộ và giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, Trung đoàn 710 đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng biên giới Chư Prông.

Trung đoàn 710 tặng bò giống cho người dân. 

Theo đồng chí Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Chư Prông những việc làm đầy tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Trung đoàn 710, càng khẳng định quan điểm sáng suốt của Đảng, Nhà nước về gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

“Trung đoàn 710 đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Từ thói quen phụ thuộc vào thiên nhiên, với lối canh tác “chọc, trỉa”, Trung đoàn đã kiên trì vận động đồng bào dân tộc thiểu số bỏ những hủ tục lạc hậu, làm quen với việc trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; tạo việc làm ổn định cho hơn 400 người đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, với việc hình thành 7 cụm, điểm dân cư trên tuyến biên giới của huyện, cùng với các “làng công nhân” của Trung đoàn là những điểm sáng về văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời bình và là những làng, xã chiến đấu, một bộ phận hợp thành của khu vực phòng thủ huyện”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Chư Prông khẳng định. 

Bài và ảnh: ANH SƠN - ĐẶNG DUẨN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.