Với mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa, duy trì sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống phụ nữ, địa phương đã tổ chức lớp tập huấn về tri thức bản địa, đa dạng sinh học và mạng lưới phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam. Tham gia biên soạn giáo trình tập huấn, ông Hà Quang Phùng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tri thức bản địa là những kiến thức, kinh nghiệm được hình thành trong hoạt động của cộng đồng gắn với điều kiện ở một địa bàn nhất định và được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Giữ gìn tri thức bản địa là giữ nét đặc trưng văn hóa của một cộng đồng, tộc người. Hoạt động của con người thường gắn bó với môi trường tự nhiên. Với đồng bào DTTS, vấn đề đa dạng sinh học rất quan trọng, bởi địa bàn cư trú của bà con chủ yếu ở vùng rừng núi, mọi sinh hoạt trong đời sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống, bảo vệ môi trường sinh tồn của con người”.

Học viên tham gia lớp tập huấn trang bị kiến thức cho phụ nữ dân tộc Mường về tri thức bản địa, đa dạng sinh học và mạng lưới phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 

Tại buổi tập huấn ở khu 7 (xã Kiệt Sơn), hội viên phụ nữ được trang bị những kiến thức về khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Mường, bảo tồn những giá trị truyền thống, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, đất, nước trên địa bàn, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ thiên nhiên. Ngoài trang bị kiến thức, phụ nữ còn được thực hành các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, trình diễn các loại hình văn nghệ dân gian, như: Hát ví, hát giang, múa mỡi, chạm ống, đâm đuống...

Việc tập huấn về tri thức bản địa và đa dạng sinh học cho phụ nữ được lãnh đạo xã Kiệt Sơn quan tâm triển khai thực hiện dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên. Đối tượng của chương trình hướng tới là hội viên phụ nữ, bởi tại các khu, bản, phụ nữ là người nắm giữ nhiều luật tục tốt đẹp, biết nhiều loại hình văn nghệ dân gian, có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của cư dân trong cộng đồng.

Bà Hà Thị Tiên, Chi hội trưởng phụ nữ khu 7 giới thiệu: “Ngoài trang bị kiến thức, hội viên còn được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động. Với các loại hình văn hóa dân gian, như: Đâm đuống, chạm ống, hát ví, hát giang... địa phương tổ chức câu lạc bộ văn nghệ dân gian để truyền dạy cho hội viên và tham gia trình diễn trong dịp lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng, sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó, các kỹ thuật trong lao động sản xuất, canh tác ở vùng rừng núi được hướng dẫn ngoài thực địa giúp hội viên có kiến thức, kỹ năng trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.

Có thể thấy, tri thức bản địa và đa dạng sinh học là những kiến thức rất hữu ích đối với phụ nữ đồng bào DTTS, giúp nâng cao hiểu biết về môi trường sống, phương thức trong lao động sản xuất, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư.

Ông Hà Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn cho biết: “Việc tập huấn tri thức bản địa, phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học cho phụ nữ là phương thức để phát huy thế mạnh của phụ nữ trong giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp, bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái, tạo sự gắn bó giữa cuộc sống con người với môi trường tự nhiên. Các hoạt động đó có tác dụng nhất định trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên phụ nữ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển”.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM