Hoạt động kinh tế của đồng bào DTTS tại chỗ ngoài sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp còn có các nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, làm rượu cần, rèn, đan lát, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng...
 |
Bảo tồn nghề gốm truyền thống tại xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy. Ảnh: http://www.bandantoc.kontum.gov.vn/. |
Trước năm 2017, các nghề truyền thống này đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Tổ chức sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình; sản phẩm ít sáng tạo, chất lượng không đồng đều, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Người theo nghề truyền thống trong các DTTS tại chỗ ngày càng giảm.
Toàn tỉnh Kon Tum chỉ có khoảng 2.220 người làm nghề truyền thống và chủ yếu là người già, sức khỏe yếu; lớp trẻ không mặn mà với nghề do thu nhập thấp. Nghề làm rượu cần có thu nhập bình quân từ 1,7 đến 2 triệu đồng/người/tháng; nghề dệt thổ cẩm chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng; nghề rèn từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng; các nghề còn lại thấp hơn rất nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Kon Tum đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là đề án).
Đề án xác định mục tiêu, giải pháp, lộ trình, nguồn lực để khôi phục và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ; tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đồng bào tự giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa, sản phẩm truyền thống độc đáo của dân tộc mình; thu hút nghệ nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi tham gia vào phát triển nghề truyền thống và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho đồng bào.
Ngoài ra, đề án còn xác định tập trung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với từng nghề truyền thống; chủ động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch...
Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay, nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những bước khởi sắc. Số người làm nghề truyền thống đã tăng lên hơn 12.170 người, tăng nhiều nhất là nghề làm rượu cần, đan lát và dệt thổ cẩm.
Riêng nghề làm rượu cần đã có hơn 8.460 người. Đặc biệt, qua thực hiện đề án, tỉnh Kon Tum đã khôi phục được nghề dệt thổ cẩm gần như đã thất truyền của dân tộc Rơ Măm và Hrê. Bà Y Điết-một trong những thợ dệt thổ cẩm giỏi của dân tộc Rơ Măm, ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, vui mừng nói: “Nghề dệt thổ cẩm của người Rơ Măm có từ xa xưa nhưng những năm trước, bọn trẻ không còn mặn mà với nghề nữa. Người già biết dệt thì dần chết hết, mang nghề đi theo. Cũng may chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, mở các lớp đào tạo, giúp người Rơ Măm khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống...”.
Việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh” đã góp phần quan trọng giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, tạo sinh kế, thu nhập cho đồng bào DTTS tại chỗ. Mong rằng thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa vấn đề này.
NGUYỄN ANH SƠN