Huyện Nam Giang có lợi thế đất đai rộng lớn, nhiều diện tích trồng cỏ tạo thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tập quán chăn thả gia súc đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên chăn nuôi chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngược lại, không ít hộ dân còn bị thiệt hại do chính tập quán chăn nuôi lạc hậu này.

Thu nhập của gia đình anh Tờ Ngôn Hin ở thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, ngoài làm rẫy, anh còn nuôi bò và lợn. Anh Hin cho biết: “Ở đây cỏ tự nhiên nhiều nên nguồn thức ăn cho bò không thiếu. Tôi thường buộc chúng trên rẫy, mỗi ngày lên kiểm tra hai lần vào sáng và chiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có con bò bị dây quấn cổ...”. Cách nói hết sức tự nhiên của anh Hin cho thấy những người dân như anh đã quá quen với việc bò bị chết do dây quấn cổ và chấp nhận những rủi ro gây thiệt hại kinh tế như thế này như một lẽ tự nhiên. Khi được hỏi để bò bị chết như thế có tiếc không? Anh Hin đáp: “Tiếc lắm chứ! Lâu lâu mới nuôi được một con bò lớn, nhìn nó chết, cảm giác như bị ai lấy mất một khoản tiền để dành”. Tuy nhiên, giải thích vì sao không chăn dắt hoặc cắt cỏ về cho bò ăn thì anh Hin chỉ cười và bảo rằng: "Tập quán của người dân ở đây là thế, hơn nữa còn phải lo đi làm rẫy, không thể theo con bò cả ngày được".

  Bà Brao Hươm ở thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê chăm sóc đàn bò của gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Brôl Trường, Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho hay, nguồn thu nhập chủ yếu của địa phương đến từ canh tác nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Do điều kiện khí hậu không thuận lợi, cùng với thói quen canh tác lạc hậu nên đời sống của bà con rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trong quá trình chăn nuôi, người dân chủ yếu thả gia súc trên rừng mà không làm chuồng nuôi nhốt, trời mưa gió cũng mặc kệ, vì thế trâu, bò chậm lớn, dễ mắc dịch bệnh và không ít trường hợp chết do bị dây thừng quấn cổ.

Không chỉ ở xã Đắc Tôi, người dân các xã lân cận cũng duy trì thói quen thả rông gia súc. Chị A Lăng Trí, người Tà Riềng, ở thôn Đắc Ốc, xã La Dêê luôn trăn trở về việc nâng cao nhận thức, xóa bỏ thói quen lạc hậu để bà con có nguồn thu bền vững và ổn định từ chăn nuôi. Chị Trí cho biết, theo thói quen từ xa xưa, người dân thường không làm chuồng trại mà thả rông để trâu, bò tự kiếm ăn. Thông thường, buổi sáng, bà con sẽ dắt gia súc lên rừng, buộc một đầu dây vào cây để gia súc ăn cỏ quanh đó, tới chiều mới dắt về. Cũng có nhiều trường hợp một, hai ngày sau mới lên kiểm tra. Nhận thấy việc thả rông gia súc gây thiệt hại kinh tế cho người dân, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con trồng cỏ để nuôi nhốt hoặc chăn dắt. Tuy nhiên, việc này không dễ và cũng không thể một sớm một chiều mà thay đổi được nhận thức của bà con.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Trần Thanh Vinh, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam)-được tăng cường giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã La Dêê, cho biết: “Để giảm thiệt hại do thói quen chăn nuôi thả rông, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các nhóm hộ khoanh vùng, dựng chuồng trại nuôi nhốt, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện tại, một số hộ đã biết trồng cỏ, làm chuồng trại chăn nuôi tập trung”. Gia đình bà Brao Hươm ở thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê đã thực hiện việc nuôi nhốt bò trong chuồng, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Bà Hươm cho biết: “Nhờ cán bộ biên phòng tuyên truyền, tôi đã biết việc nuôi nhốt gia súc mang lại nhiều lợi ích hơn so với thói quen thả rông, đó là hiệu quả phòng bệnh tốt hơn, gia súc sinh trưởng tốt hơn”.

Hy vọng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thời gian tới sẽ có thêm nhiều người dân ở Nam Giang thay đổi nhận thức, xóa bỏ phương thức chăn nuôi thả rông lạc hậu chuyển sang làm chuồng trại nuôi nhốt, bảo đảm hiệu quả kinh tế và phòng, chống dịch bệnh.

Bài và ảnh: THU HẰNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.