Chính từ những lớp học đặc biệt này, các thầy, cô giáo là những trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) của Đoàn đã và đang giúp bà con nơi đây đọc thông, viết thạo, thắp lên cơ hội thay đổi cuộc sống.

Dù năm nay đã ngoài 50 tuổi, thế nhưng tối nào bà Phàn Tả Siểu, thôn Y Giang, xã A Mú Sung cũng là người có mặt sớm nhất tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã A Mú Sung nơi Đoàn KT-QP 345 mở lớp xóa mù để học chữ. Vượt qua rào cản tâm lý, bà mạnh dạn theo học lớp xóa mù với mong muốn biết đọc, biết viết để có thể tìm hiểu những thông tin mới về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp nâng cao năng suất và thu nhập.

Bà Siểu chia sẻ: “Vì tuổi đã cao nên học chữ với tôi khó khăn lắm, nhưng tôi luôn cố gắng. Bởi vì, biết đọc, biết viết thì mới biết cách sử dụng phân bón hợp lý, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả để nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hơn nữa các thầy, cô giáo tuy còn trẻ nhưng hướng dẫn rất tận tình, chu đáo. Sau một thời gian theo học tôi đã biết ghép vần, đọc chữ, biết viết tên. Tôi cảm thấy rất phấn khởi”.

Các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ do Đoàn  Kinh tế - Quốc phòng 345 tổ chức. 

Còn với Phùng Lở Mẩy do hủ tục lạc hậu nên cô lập gia đình từ khi còn rất trẻ, điều đó cũng khiến cô phải bỏ học giữa chừng, mới ngoài 20 tuổi mà Mẩy đã có 3 con. Quanh năm làm lụng vất vả để nuôi các con nhỏ, cô đã quên hoàn toàn mặt chữ lúc nào không hay. Việc Đoàn KT-QP 345 mở lớp dạy xóa mù là cơ hội để Mẩy tiếp tục theo đuổi ước mơ tìm lại con chữ. Tâm sự với chúng tôi, Phùng Lở Mẩy chia sẻ: “Do nhà nghèo, đông anh em nên từ nhỏ, tôi đã phải theo bố mẹ lên nương rẫy. Bố mẹ lại muốn tôi lấy chồng sớm nên tôi không được đến trường. Giờ đây, có cơ hội được học chữ, tôi rất vui và mong muốn sau này sẽ dạy chữ cho các con. Có cái chữ thì cuộc sống của tôi sẽ tốt đẹp hơn nhiều”.

Tại lớp học đặc biệt này, các thầy, cô giáo là TTTTN cũng gặp không ít khó khăn như: Kinh nghiệm sư phạm còn ít, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, học viên có nhiều lứa tuổi, đa phần không biết tiếng phổ thông... Tuy nhiên vượt lên trên tất cả, hằng ngày, hằng giờ bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, họ vẫn miệt mài soạn giáo án, bài giảng để lên lớp dạy chữ cho bà con. Bởi niềm vui với họ chính là việc các học viên của mình dần dần biết đọc, biết viết, giao tiếp tự tin.

Anh Tẩn A Sơn, TTTTN Đoàn KT-QP 345 chia sẻ: “Với việc phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ là đồng bào dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, chúng tôi đã kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời, xây dựng các giáo án, đồ dùng trực quan phù hợp với trình độ nhận thức của người học”.

Được biết, bên cạnh việc dạy xóa mù chữ, quá trình lên lớp các TTTTN còn lồng ghép, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đại tá Nguyễn Hữu Cảnh, Chính ủy Đoàn KT-QP 345 cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy đơn vị xác định việc xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc. Vì vậy trong những năm qua, Đoàn KT-QP 345 đã mở nhiều lớp xóa mù chữ ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi việc đến trường của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc thiểu số, biết con chữ có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội giúp đồng bào có thể áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc làm này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, đồng thời giúp cho đội ngũ TTTTN của Đoàn phát huy vai trò của tuổi trẻ, có những đóng góp tích cực vào nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh”.

Bài và ảnh: TRẦN HÀO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.