Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở Thong Bahnar Weaving Culture (Thong Bahnar) nằm bên cạnh nhà rông của làng Kon K’tu, anh Huỳnh Nguyên Thông vừa chia sẻ: “Khoảng 10 năm về trước, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na đối mặt với nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong một lần làm việc với các chuyên gia cơ khí của Israel, tôi gửi tặng các bạn túi thổ cẩm dệt thủ công của đồng bào. Khi được nghe giới thiệu về sản phẩm, các chuyên gia vô cùng thích thú, khâm phục sự tài hoa của những người thợ đã dệt lên những hoa văn độc đáo. Từ đó, tôi dành sự quan tâm đặc biệt tới nghề dệt thổ cẩm của cha ông”.

leftcenterrightdel
Anh Huỳnh Nguyên Thông cùng các nghệ nhân bên sản phẩm “vải dệt kể truyện cổ”.  

Trăn trở trước việc nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang dần bị mai một, anh Huỳnh Nguyên Thông nghĩ mình cần phải làm gì đó để khôi phục, quảng bá sản phẩm dệt đến với bạn bè trong và ngoài nước. Nghĩ là làm, anh Thông bắt tay vào việc bảo tồn, phát triển nghề dệt, tuy nhiên anh đã gặp không ít khó khăn như thiếu tài liệu nghiên cứu về hoa văn, họa tiết; hiện vật mẫu hay nghệ nhân lành nghề đều rất hiếm... Suốt 5 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, nhờ có sự giúp đỡ của những nghệ nhân ở làng Kon K’tu, anh Thông đã từng bước gỡ bỏ được những nút thắt.

Tại làng Kon K’tu, sợi bông tự nhiên vẫn được người dân trồng để làm thành những sản phẩm dệt thổ cẩm trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, hoa văn dệt và cách phối màu trên vải của đồng bào Ba Na nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn, không bị pha tạp. Trong quá trình tạo ra các sản phẩm dệt, anh Huỳnh Nguyên Thông còn nghiên cứu, phối hợp các màu sắc truyền thống như trắng, đỏ, đen, xanh đen, vàng, cam đỏ... kết hợp thêm nhiều màu sắc khác để tạo ra gam màu phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Anh Thông cho biết: “Khi đã có đủ nguồn lực, tôi xác định hướng đi riêng để góp phần tạo ra “làn gió mới” cho nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na với mục đích đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội nhưng vẫn giữ được những nét hoa văn truyền thống”.

Tháng 3-2010, anh Huỳnh Nguyên Thông xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm lấy thương hiệu "Thong Bahnar" với mong muốn tạo dựng một đời sống mới cho thổ cẩm của quê hương. Cơ sở dệt của anh là địa điểm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến để tận hưởng không gian du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, trải nghiệm tự tay dệt thổ cẩm dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân Ba Na. Qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đến nay, cơ sở của anh đã có hơn 20 tấm vải thổ cẩm độc đáo dệt hoa văn, hình ảnh những câu truyện cổ dân gian với tên gọi “vải dệt kể truyện cổ”. 

Để quảng quá sản phẩm, anh Thông còn tổ chức hội thảo dệt vải với chủ đề “Ai cũng có thể dệt” và minishow “Kể chuyện cổ trên vải dệt”... Điều này đã giúp mang nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na đến gần hơn với mọi người. Nghệ nhân Y Yin-một trong số ít người còn biết kéo sợi thủ công ở làng Kon K’tu, cho biết: “Kéo sợi là một trong những công đoạn quan trọng để tạo ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Một tấm thổ cẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn như lấy bông, xe sợi, nhuộm sợi... các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, óc sáng tạo và sự khéo léo. Hiện nay các nghệ nhân ở làng Kon K’tu đã sáng tạo thêm nhiều hoa văn, họa tiết mới nhằm truyền tải những câu chuyện phản ánh đời sống của buôn làng, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác trên nền vải thổ cẩm”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Anh Huỳnh Nguyên Thông là người có công góp phần khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na. Hiện nay, mô hình bảo tồn nghề dệt thổ cẩm kết nối du lịch di sản tại làng Kon K’tu đã góp phần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản văn hóa dân tộc Ba Na trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na đã có sự chuyển mình, không chỉ giúp cuộc sống người dân ổn định mà còn là niềm tự hào của đồng bào Ba Na ở làng du lịch cộng đồng Kon K’tu".

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.