Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đang đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống này, qua đó vừa mang lại nguồn thu nhập cho bà con, vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.

Là bản của người Thái nên tại Na Loi, các hoạt động sinh hoạt vật chất và tinh thần đều mang đậm đặc trưng văn hóa Thái. Bà con canh tác lúa nước, ở nhà sàn truyền thống, ăn các món như xôi, thịt giàng, moọc cá, canh măng, uống rượu cần... Về trang phục, phụ nữ mặc váy và áo truyền thống tự tay thêu, dệt.

leftcenterrightdel

Phụ nữ Thái dệt thổ cẩm ở xã Na Loi. 

Chị Lương Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Na Loi cho biết, cùng với nghề nuôi tằm kéo tơ, dệt thổ cẩm là một trong hai nghề truyền thống vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay ở Na Loi. Theo phong tục, phụ nữ Thái ngoài việc chăm sóc chồng con, gia đình, còn phải biết thêu, dệt. Vì vậy, các em gái Thái từ nhỏ đã được dạy cách dệt một số trang phục. Ban đầu, chị em dệt vải để phục vụ bản thân. Dần dần, sản phẩm dệt của chị em được bán cho phụ nữ người Khơ Mú và xuất sang Lào, giúp chị em ở Na Loi có thêm thu nhập. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2010, nghề dệt thổ cẩm có dấu hiệu lắng xuống do nhu cầu của thị trường không nhiều.

Với trăn trở không thể để mất nghề, từ năm 2012 đến nay, với sự xúc tiến của chính quyền địa phương, nghề dệt thổ cẩm ở Na Loi dần được khôi phục. Không khí làm nghề bắt đầu sôi động với các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề dệt và hỗ trợ tư liệu, nguyên liệu cho người dân. Như năm 2018, hai lớp dệt thổ cẩm tại bản Piêng Lau có 30 học viên và bản Na Khướng có 27 học viên tham gia.

Năm 2019, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Nghệ An phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức mở lớp nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm tại Chi hội Phụ nữ bản Na Loi với 29 học viên. Trong thời gian học, các học viên được hỗ trợ một phần kinh phí học tập và nguyên liệu như sợi, tơ... Năm 2020 tiếp tục mở một lớp tại bản Đồn Boọng với 25 học viên. Chị em còn được hỗ trợ khung dệt để học dệt thổ cẩm.

Với nhiều giải pháp, mỗi năm, số hộ tham gia làm nghề dệt thổ cẩm ở xã Na Loi ngày một tăng, hiện chiếm gần 100% tổng số hộ dân ở bản. Thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm đem lại cho chị em khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nghề dệt thổ cẩm ở Na Loi cũng nhờ thế mà khởi sắc.

Bài và ảnh: PHI ĐIỆP

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.