Bên cạnh khai thác hiệu quả các chính sách chung và linh động theo đặc điểm của địa phương, đến nay, những phum, sóc khu vực Tây Nam Bộ, nơi có hơn 1,2 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đang dần "thay da đổi thịt", đời sống của người dân ngày càng sung túc.
Đời sống đổi thay
Về lại các phum, sóc đúng dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới, sự chuyển mình mạnh mẽ của các vùng quê. Những ngôi nhà kiên cố với khuôn viên sạch đẹp, trung tâm văn hóa-thể thao khang trang, tuyến đường bê tông mới trải dài đến tận các xóm, ấp; nông dân Khmer cần mẫn chăm sóc ruộng lúa đang vào độ chín vàng, rẫy màu tươi xanh... tất cả tạo nên một bức tranh sống động. Trò chuyện với bà con, chúng tôi còn cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt văn minh, tích cực của đồng bào.
Nhiều hộ dân Khmer cho biết, không chỉ chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, nông dân còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu của thời trước khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất... Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên trong cuộc sống. Ông Lý Tấn Hùng, hộ điển hình trong phong trào thoát nghèo bền vững của ấp Đại Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, tự hào chia sẻ: “Nhờ địa phương hỗ trợ vốn và mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau sạch, rồi thường xuyên được tập huấn bài bản từ khâu làm đất cho đến sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên rau bán được với giá cao hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg và được các doanh nghiệp tìm đến tận nơi thu mua. Với 1ha đất, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Giờ thì cái ăn, cái mặc đã không còn là nỗi lo nữa. Con cái chúng tôi được học hành tử tế, giờ cũng là kỹ sư nông nghiệp và bác sĩ tại Sóc Trăng, Cà Mau”.
Tương tự, tại ấp Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)-nơi có 65% dân cư là đồng bào Khmer sinh sống-đường nối liền đường, nhà nhà có điện thắp sáng, những căn nhà dột nát, xiêu vẹo ngày nào nay được thay thế bởi nhà tường kiên cố và sạch đẹp, cho thấy đời sống của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc. Theo ông Nguyễn Trọng Yêm, Trưởng ấp Đường Đào: Trong ấp có nhiều hộ làm kinh tế hiệu quả từ những mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi cá bống tượng, cá chình, nuôi ba ba, cua đinh... Ngoài ra, ấp Ðường Ðào có 1 tổ hợp tác và 3 câu lạc bộ phát triển kinh tế bền vững, mô hình này thời gian qua mang lại hiệu quả cao, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong ấp đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm”.
 |
Nhiều tuyến đường nông thôn ở tỉnh Sóc Trăng được bê tông hóa và lắp điện chiếu sáng. |
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 3,79%/năm. So với các vùng khác (trừ vùng Đồng bằng sông Hồng), vùng ĐBSCL có tỷ lệ hộ nghèo DTTS/tỷ lệ hộ nghèo chung của vùng thấp nhất trên toàn quốc, là 16,61% (bình quân vùng DTTS và miền núi là 61,29%). Tỷ lệ học sinh vùng DTTS đi học đúng độ tuổi ngày càng cao. Đến nay, tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người DTTS từ 15 tuổi trở lên là 81,49%, tăng 2,29% điểm phần trăm so với năm 2015. Còn về tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, vùng ĐBSCL có tỷ lệ cao thứ hai cả nước với 435/463 xã, cao hơn 10,7% so với bình quân chung cả nước. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, nguồn vốn, lồng ghép qua từng năm nên đường giao thông từ trung tâm xã/phường/thị trấn đến trung tâm huyện/quận/thị xã được cứng hóa, đạt 97,56% so với mức bình quân chung cả nước là 98,2%.
Nhiều chủ trương chăm lo đời sống đồng bào
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, như: Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 14-4-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI và Thông báo số 67-TB/TW ngày 14-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer... Hay những chính sách phát triển dài hơi cho cả một giai đoạn phát triển là Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010” và Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020” nhằm xây dựng tổng thể các chính sách ưu đãi riêng cho đồng bào DTTS ở ĐBSCL...
Cùng với chính sách chung, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương mình để mang lại chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.
Cụ thể, tại An Giang, ngoài những chính sách chung, đồng bào DTTS ở vùng khó khăn được thụ hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù, như: Nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn, vay vốn thoát nghèo, hỗ trợ vật nuôi/cây trồng cải thiện sinh kế... Ông Chau An, hộ thoát nghèo ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cho biết: “Năm 2009, tôi được hỗ trợ nền nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ, kế đến là hỗ trợ bò giống để chăn nuôi. Năm 2020, tiếp tục được hỗ trợ học nghề xây dựng. Ban đầu chỉ là thợ phụ, giờ tôi đã là thợ chính. Ngoài thời gian đi xây nhà, tôi còn chăn nuôi thêm nên đời sống cũng khấm khá hơn. Không riêng tôi, nhờ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ phục hồi nghề nấu đường thốt nốt, đầu tư trồng trọt hoặc tìm kiếm mô hình mới để phát triển. Đời sống người dân Khmer ngày nay đã được cải thiện đáng kể về vật chất, tinh thần, nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo. Những hộ đã được Nhà nước quan tâm tiếp sức đều nỗ lực làm ăn, chịu khó, chứ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại”.
Đời sống của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh cũng đã khởi sắc trong nhiều năm gần đây nhờ việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các bộ, ngành dành cho đồng bào Khmer. Ông Kiên Banh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh thông tin, trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn xây dựng 308 công trình; duy tu, bảo dưỡng 122 công trình; thực hiện 261 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 2.722 hộ. Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, các cấp, ngành còn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng đồng bào DTTS. “Với các biện pháp đã thực hiện, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã giảm 19,9%, đạt mức bình quân 4%/năm”, ông Kiên Banh nhấn mạnh.
Không còn là những phum, sóc đơn sơ, nghèo khó, thay vào đó, vùng đồng bào Khmer Nam Bộ ngày càng khang trang, hiện đại hơn, đời sống đồng bào không chỉ thoát nghèo mà đang vươn lên khá giả. Chính sách của Ðảng và Nhà nước về chăm lo đời sống đồng bào cùng sự phấn đấu vươn lên của người dân Khmer Tây Nam Bộ đã phát huy hiệu quả. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm gắn bó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố...
Bài và ảnh: THÚY AN