Cứ mỗi khi nhắc đến xã Nguyệt Ấn, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là nhiều người nghĩ đến mô hình “Rừng luồng khuyến học” của dòng họ Bùi thuộc dân tộc Mường nơi đây. Từ “Rừng luồng khuyến học”, mỗi năm hàng chục học sinh là con em dòng họ Bùi ở xã Nguyệt Ấn được "chắp cánh", đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Nguyệt Ấn là xã có diện tích tự nhiên khá lớn của huyện Ngọc Lặc. Đây là vùng đất thích hợp để phát triển rừng luồng. Những năm qua, cây luồng được người dân trồng trên diện rộng, trở thành một trong những cây chủ lực về phát triển kinh tế. Bởi vậy, mô hình “Rừng luồng khuyến học” xuất hiện. Mô hình này xuất phát từ dòng họ Bùi, một dòng họ có truyền thống lâu đời ở địa phương.
 |
Ông Bùi Thanh Tâm, trưởng dòng họ Bùi ở thôn Môn Tía, xã Nguyệt Ấn chăm sóc “Rừng luồng khuyến học”. |
Mô hình ra đời với mong muốn hỗ trợ các thế hệ con cháu của dòng họ có được những điều kiện tốt để phấn đấu trong quá trình học tập. Ông Bùi Thanh Tâm, trưởng dòng họ Bùi ở thôn Môn Tía cho biết: “Rừng luồng được chúng tôi trồng từ năm 2007 trên diện tích đất rừng chung của toàn dòng họ, không ai được xâm phạm. Hiện nay, tổng diện tích rừng khoảng 3ha. Toàn bộ số tiền thu được từ việc trồng luồng sẽ được sung vào quỹ để hỗ trợ các cháu có thành tích học tập tốt của dòng họ”. Để bảo vệ, phát triển rừng luồng, dòng họ Bùi có những quy ước chung để mọi thành viên tuân thủ và thực hiện. Mặt khác, mỗi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng luồng...”.
Hơn 14 năm qua, “Rừng luồng khuyến học” của dòng họ Bùi ở xã Nguyệt Ấn không ngừng phát triển và phát huy hiệu quả thiết thực. Nhiều thế hệ học trò của dòng họ đã thành danh nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của dòng họ thông qua mô hình này. “Cũng như cây tre, tre già thì măng sẽ mọc và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi bảo vệ rừng luồng, phát triển mô hình khuyến học này với mong muốn con em của dòng họ có điều kiện học tập tốt nhất để theo đuổi ước mơ của mình, trở thành những công dân có ích cho xã hội”, ông Tâm chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀNG BÌNH
Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Đinh Thị Tâm, người dân tộc Mường ở khu Quyết Tiến, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vẫn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, sưu tầm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương.