Trong không gian nhà sàn truyền thống của gia đình, bà Tâm kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về văn hóa Mường và hành trình 15 năm lặn lội nghiên cứu, sưu tầm những cổ vật quý giá của dân tộc mình. Bà Đinh Thị Tâm cho hay: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở xứ Mường nên có một tình yêu mãnh liệt với những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường nơi đây. Những điệu múa, lời hát Xường (bài hát dùng trong các nghi thức tế lễ, trò chơi dân gian) của người Mường tôi đều thuộc nằm lòng. Trong cuộc sống hiện đại, phong tục, tập quán văn hóa của mỗi dân tộc sẽ bị mai một nếu không được giữ gìn. Từ ngày còn đi làm, tôi luôn ấp ủ ước mơ có thời gian và sức khỏe để nghiên cứu, sưu tầm những di sản văn hóa của dân tộc Mường”.
 |
Bà Đinh Thị Tâm bên trong nhà lưu niệm truyền thống văn hóa dân tộc Mường. |
Với suy nghĩ đó, từ năm 2009, sau khi nghỉ hưu, bà Đinh Thị Tâm đã không ngại vất vả, dày công tìm hiểu và sưu tầm những vật dụng đặc trưng của dân tộc mình. Trong suốt thời gian dài, bà đã đi đến tận những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang-nơi có sự hiện diện của văn hóa Mường để sưu tầm các hiện vật. Có những hiện vật quý mà bà con dân tộc Mường có ý định bán đi hoặc không sử dụng, bà lại vận động mua hoặc xin lại cho bằng được. Đến nay, bà Tâm đã sưu tầm được hơn 100 hiện vật gồm các loại đồ đá, đồ đan lát, công cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thống và các sản phẩm văn hóa truyền thống... gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của người Mường từ xa xưa.
Ông Hà Văn Đường, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Sơn cho biết: “Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, để có nơi lưu giữ và quảng bá di sản văn hóa dân tộc Mường tới đông đảo người dân, bà Tâm đã tự nguyện hiến hơn 100m2 đất và hơn 100 triệu đồng để xây dựng nhà lưu niệm văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Tháng 8-2019, nhà lưu niệm được xây dựng xong trong niềm vui của gia đình và bà con, trở thành nơi bảo tồn giá trị văn hóa hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn”.
Đã từng có những khoảng thời gian, cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn nghệ hiện đại, một bộ phận thế hệ trẻ người Mường cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, dù tuổi đã cao nhưng bà Tâm còn tích cực tham gia truyền dạy những điệu múa, điệu hát của dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Quả thực, có được những người như bà Phạm Thị Tâm thì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường ở Thanh Sơn sẽ được bảo tồn, phát triển.
Bài và ảnh: TRANG SAO