Ông Mohamed Haji Zacky, Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết: “Thanh niên người Chăm đi làm xa xứ thường tận dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để về nhà tổ chức lễ cưới, mang đến niềm hoan hỷ cho gia đình, xóm giềng. Lễ cưới của người Chăm trước đây thường theo lịch Hồi giáo, tuy nhiên giờ đây có thể tổ chức bất cứ lúc nào, tùy vào điều kiện của các gia đình. Địa điểm tổ chức lễ cưới là thánh đường, các tiểu thánh đường hay nhà cô dâu tùy vào hoàn cảnh gia đình”.

leftcenterrightdel
Cô dâu, chú rể người dân tộc Chăm ở An Giang lộng lẫy trong trang phục truyền thống ngày cưới. 

Trong lễ cưới, ngoài họ hàng thì người Chăm mời hết cả hàng xóm, bởi họ quan niệm càng có đông người dự thì gia chủ càng được nhiều phúc và người dự lễ cũng được hưởng phúc. Đám cưới của đồng bào Chăm không có rượu, bia, chủ yếu là uống trà, nước ngọt, các loại bánh truyền thống và các món ăn đặc trưng của dân tộc Chăm.

Những năm gần đây, vào mỗi dịp xuân về, người Chăm lại rộn ràng tổ chức lễ cưới, dần dần mùa xuân đã trở thành mùa cưới của dân tộc Chăm ở An Giang. Anh Mohamed Sosales, Trưởng ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), cho biết: “Tết đến, xuân về là dịp bà con tập trung về làng, con cái đi làm xa cũng được nghỉ phép tụ họp đông đủ, nhân tiện các gia đình tổ chức lễ cưới cho các đôi trẻ. Người Chăm chúng tôi rất đoàn kết, dù không phải anh em trong gia đình nhưng ai cũng muốn góp phần chung vui, nhất là các chị em giúp đỡ gia chủ rất nhiệt tình. Mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa, chúc phúc cho cô dâu, chú rể”.

Nét độc đáo trong lễ cưới của người Chăm là tục đưa rể sang nhà gái chứ không rước dâu. Ngày nay, lễ cưới của người Chăm ở An Giang vẫn gìn giữ những nét văn hóa rất riêng và vô cùng đặc sắc, góp phần tạo nên sức hút không nhỏ đối với du khách mỗi khi xuân về trên vùng đất hiền hòa đầu nguồn sông Cửu Long.

Bài và ảnh: GIA UYÊN