Có một thứ không thể thiếu trong nghệ thuật ẩm thực của bà con dân tộc miền tây xứ Thanh, đó là những chóe rượu được ủ từ men lá, củ, quả rừng, uống bằng cần, gọi là “rượu cần”. Nhưng có lẽ nét văn hóa rượu cần độc đáo và nổi tiếng nhất thuộc về đồng bào dân tộc Thái ở huyện Bá Thước.
Gia đình bà Hà Thị Nhan, ở xã Điền Lư, huyện Bá Thước từ nhiều đời nay nắm giữ bí quyết ủ rượu cần từ men lá và làm rượu ngon có tiếng nơi miền tây xứ Thanh. Trong căn bếp nhỏ của gia đình bà luôn có đủ dụng cụ để chế ra những chóe rượu ngon phục vụ gia đình và du khách gần xa về tham quan, nghỉ dưỡng tại Pù Luông. Bà Nhan cho biết, để làm rượu cần trước hết phải vào rừng tìm các loại lá ủ men. Lá làm men hầu hết đều là các loại thảo dược, có tinh dầu, mùi thơm và vị ấm. Men rượu cần làm từ gần 10 loại lá rừng với đủ vị chua, cay, chát, ngọt, đắng được chế biến, pha trộn với nhau. Đây cũng chính là bí quyết làm nên hương vị đặc trưng của rượu cần.
 |
Thưởng thức rượu cần, nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa. |
Rượu cần là thứ đồ uống quý, được làm khá cầu kỳ, gọi là “láu xá”. Khi đã ủ vào chum từ 25 đến 30 ngày là có thể uống được, nhưng để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt. Ngoài sắn khô, bà con còn làm bằng các loại ngũ cốc như gạo, ngô, hạt ý dĩ, củ dong riềng. Uống rượu cần cũng phải tuân theo tập tục từng nơi. Đồng bào dân tộc Thái tổ chức uống rượu cần thành hội, thường từ 6 đến 10 người. Một “ông Chám” chủ trì cuộc rượu, mời và phục vụ khách. Khi nào rượu vơi thì châm thêm nước cho đến khi rượu nhạt. Những vị khách quây quần xung quanh chóe rượu, vít cong cần, thưởng thức hương vị ngọt ngào của ngũ cốc được gieo trồng trên nương hòa quyện với hương rừng trong men lá.
Rượu cần men lá của người Thái ở Bá Thước khi uống có vị đậm đà và đượm hương lá rừng nên rất dịu nhẹ, êm ái. Đó là đặc điểm riêng biệt của thứ thức uống tinh túy vùng đất này tác tạo ra. Ngày nay, số người trong bản làm men rượu cần từ lá rừng không còn nhiều, nhưng thế hệ trẻ hôm nay vẫn muốn giữ gìn và phát triển nghề làm rượu cần truyền thống của cha ông để lại.
Khi xuân về, Tết đến, mọi người, mọi nhà ở huyện Bá Thước lại chưng cất những mẻ rượu cần để vui Tết, đón xuân theo phong tục cổ truyền. Đồng bào nơi đây thân thiện chào đón du khách về với bản làng, vừa uống rượu cần vừa đắm mình trong không khí rộn ràng của các vũ điệu mang đậm bản sắc vùng cao. Chóe rượu là trung tâm của cuộc vui, tất cả mọi người quây quần bên nhau, cùng vít cong cần để cảm nhận tinh hoa của đất trời theo từng giọt rượu lan tỏa.
Bài và ảnh: VI HOA