Đồng chí Trương Minh Cương, Bí thư Huyện ủy Quế Phong lý giải: “Sau hơn 10 năm đứng chân trên địa bàn các xã biên giới, không chỉ giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, Quân khu 4 còn để lại dấu ấn bằng những công trình giá trị và những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả...”.
 |
Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chăm sóc cây ngô.
Ảnh: TIẾN QUỐC
|
Đến hai bản D1, D2 của khu tái định cư Minh Châu, xã Tri Lễ vào buổi chiều tối, chúng tôi được chứng kiến không khí phấn khởi ở bản; bà con ngồi xem ti vi, nói chuyện, hưởng luồng gió mát từ những chiếc quạt điện... Trong câu chuyện, ai cũng nhắc đến công sức của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4. Bà Vừ Xồng Cứ, người dân bản D1 nói với chúng tôi: “Nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, đến nay, đời sống bà con dân bản chúng tôi ở khu tái định cư đã ổn định. Đặc biệt, từ các mô hình chăn nuôi, sản xuất do Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo”. Để có được những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, những đường nước sạch, những dòng điện lưới về với bà con nơi biên cương này là cả quá trình vượt khó của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4. Vào thời điểm năm 2011, 2012, khi những cán bộ đầu tiên của Đoàn KT-QP 4 đến đây, các anh phải mượn những căn lán nhỏ của đồng bào để ở, bắt đầu cho "cuộc chiến" với cái đói, cái nghèo nơi miền sơn cước này. Thế nhưng, với tất cả tấm lòng, tinh thần trách nhiệm vì đồng bào, cán bộ, nhân viên đơn vị đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định nơi ăn, chốn ở, xây dựng thí điểm các mô hình kinh tế để bà con làm theo, từng bước nhân rộng. Thượng tá Nguyễn Như Hồng, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: “Trong quá trình thực hiện, nếu không có sự nỗ lực cao độ thì nhiều dự án sẽ không thành công. Đơn cử như để triển khai hiệu quả các dự án nuôi bò lai Sind, lợn đen... đến các hộ dân, cán bộ, nhân viên đơn vị phải trải qua một quá trình gian nan. Do thói quen từ bao đời nay, bà con thường thả rông vật nuôi nên khi cấp con giống, mặc dù cán bộ, nhân viên đơn vị đã hướng dẫn, tuyên truyền rất kỹ về việc nuôi nhốt cũng như kỹ thuật chăm sóc nhưng đợt cấp lần đầu, con giống bị chết gần hết do bà con vẫn có thói quen thả rông. Khắc phục tình trạng này, các đội sản xuất của Đoàn KT-QP 4 phân công cán bộ, nhân viên đến từng gia đình được cấp con giống để "cầm tay chỉ việc", kiểm tra, đôn đốc bà con nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Nhờ vậy đến nay, đàn gia súc, gia cầm mà đơn vị hỗ trợ bà con đã phát triển, mang lại hiệu quả tốt”.
Sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm cộng với những nỗ lực vượt khó của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 đã dần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và cuộc sống của bà con nơi biên giới huyện Quế Phong. Chia tay đồng bào, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những em nhỏ tung tăng cắp sách tới trường, các bà, các mẹ với nụ cười rạng rỡ khi bán những gùi chanh leo cho thương lái... Trong niềm vui ấy có một phần công sức của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4...
Bài và ảnh: TIẾN QUỐC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.