Trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao, một hiện vật không thể thiếu đó là tranh thờ cúng. Những bức tranh này có tính giáo dục nhân văn, được treo trang trọng ở nơi thờ tổ tiên trong nhà. Tục thờ bằng tranh được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác, tạo nên nét văn hóa riêng biệt.
Đến xã Đông Hải, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chúng tôi được giới thiệu gặp anh Hà Văn Tài ở thôn Nà Bấc. Anh Tài là một trong số ít người còn giữ nghề vẽ tranh thờ của người Dao ở Quảng Ninh. Ngôi nhà của anh Tài nằm khuất sâu trong thôn nhưng vẫn có nhiều người tìm đến đặt anh vẽ tranh. Ông Bàn Sinh Phương, ở thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long (Quảng Ninh), cách nhà anh Tài vài chục cây số cũng tìm đến nhờ anh vẽ tranh thờ. Ông Phương cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Dao thì tranh thờ rất quan trọng, dòng họ nào cũng phải có, vì nếu không sẽ không thể tiến hành các nghi lễ cúng tổ tiên. Vào các buổi lễ quan trọng hay khi lập bàn thờ tổ tiên đều phải có tranh thờ Tam Thanh (gồm: Thượng Thanh, Ngọc Thanh, Thái Thanh) là các vị thần của người Dao. Các trưởng họ đều phải có trách nhiệm mua tranh thờ cho dòng họ mình”.
 |
Anh Hà Văn Tài là một trong số ít người ở Quảng Ninh còn giữ nghề vẽ tranh thờ của đồng bào dân tộc Dao.
|
Qua câu chuyện với anh Hà Văn Tài chúng tôi được biết, để vẽ một bộ tranh thờ mất khoảng hai tháng, nên nhiều khi anh Tài phải ăn, ngủ ở nhà gia chủ để vẽ. Mỗi bộ tranh thờ gồm 12 bức, nội dung và cách thể hiện khác nhau. Nhân vật chính trong tranh đều là Tam Thanh-là các vị thần cai quản trời, trần gian và âm phủ theo quan niệm của người Dao. Tranh thờ được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều mang nét oai nghiêm, gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, được cụ thể hóa trong từng chi tiết.
Ngày nay, tuy công nghệ in ấn tiến bộ nhưng đã thành phong tục, người Dao chỉ thờ tranh vẽ, không thờ tranh in, do vậy những người làm nghề vẽ tranh thờ như anh Hà Văn Tài có vai trò quan trọng đối với đồng bào dân tộc Dao. Thế nhưng, điều mà những người làm nghề vẽ tranh thờ băn khoăn là nghề vẽ tranh thờ của người Dao đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi khó tìm được người theo nghề. Theo anh Tài, nghề vẽ tranh thờ ngoài việc có năng khiếu còn phải hiểu phong tục tập quán của đồng bào; có tình yêu bản sắc văn hóa, không so đo về vật chất thì mới thành công...
Bài và ảnh: ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.
QĐND Online - Tại nhà triển lãm 42 Yết Kiêu, Hà Nội đang diễn ra một triển lãm tranh mang ý nghĩa tâm linh: “Tranh thờ Đạo giáo – Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam”...
Sinh năm 1978-quá trẻ để là chủ nhân một bộ sưu tập đồ cổ và vật dụng của các dân tộc thiểu số mang bản sắc của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam, được trưng bày trong 7 phòng theo các chủ đề tại Galery có tên "54 Traditions" trên phố Hàng Bún, Hà Nội. Nhưng đó chưa phải tất cả, Nguyễn Thị Nhung còn học được, đóng góp được cho xã hội và sống được bởi thu nhập từ thú chơi của mình.