Nguyễn Thị Nhung bên bộ sưu tập của mình

Sinh năm 1978-quá trẻ để là chủ nhân một bộ sưu tập đồ cổ và vật dụng của các dân tộc thiểu số mang bản sắc của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam, được trưng bày trong 7 phòng theo các chủ đề tại Galery có tên "54 Traditions" trên phố Hàng Bún, Hà Nội. Nhưng đó chưa phải tất cả, Nguyễn Thị Nhung còn học được, đóng góp được cho xã hội và sống được bởi thu nhập từ thú chơi của mình.

Tìm việc... được thú chơi

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Pháp, Nhung đau đáu một điều: xin được việc làm ổn định. Những công việc tìm được dường như không ấn định một cách chắc chắn, thế là cô gái trẻ vừa nộp hồ sơ xin việc… vừa đợi… và vừa tranh thủ đi chơi. Một chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu, chiếc xe máy, với Nhung thế là đủ để bắt đầu những chuyến píc níc đến vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu đời sống bà con dân tộc thiểu số.

Biết được một chút về đời sống của bà con cũng đồng hành với việc Nhung lôi về Thủ đô đủ thứ về đời sống các dân tộc thiểu số, và chọn cho những vật dụng đó có một chỗ đứng thích hợp. Khu trưng bày đời sống của người dân phía bắc thông qua bộ sưu tập đủ các mẫu vải, váy, mũ, áo bằng chất liệu thổ cẩm của các dân tộc Thái, Mông, Tày, Nùng, Dao… Đại diện cho vùng đất Tây Nguyên là những chiếc gùi, giỏ, tượng nhà mồ, cầu thang của đồng bào Ba Na, Giơ-rai, Cơ-ho… Vừa nâng niu, Nhung vừa giải thích cặn kẽ ý nghĩa cũng như tính năng của từng vật dụng đó. Ví như giỏ bắt mối của người Giơ-rai, hay gùi ba giẻ của người Xê-đăng ở Tây Nguyên khác với gùi ba giẻ của người Cơ-tu, cùng là dùng để săn bắt nhưng cách đan và hình thức cũng khác khau…

Với Nhung, sưu tập những vật dụng đơn giản là để tô điểm thêm ý nghĩa cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số trong thú chơi “độc” của mình: sưu tập tranh thờ và các vật dụng tín ngưỡng. Bước vào phòng trưng bày đồ của thầy cúng các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Thái… nếu không hiểu biết về nguồn gốc, người xem dễ bị lầm tưởng đó chỉ là những tượng gỗ xấu xí bỏ đi, nhưng thực tế những đồ vật đó có ý nghĩa tâm linh hết sức sâu sắc và có cái giá… chỉ có giới buôn đồ cổ mới định được.

Đến nay, Nhung đang sở hữu khoảng 10.000 bức tranh thờ của rất nhiều dân tộc thiểu số. Cũng với bộ sưu tập đồ sộ này mà đầu năm 2006 vừa qua, cùng với người cộng sự nổi tiếng: Bác sĩ, nhà sưu tập người Mỹ Mark Rapoport, triển lãm "Tranh thờ Hàng Trống sưu tầm tại miền núi phía bắc Việt Nam" đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với hơn 400 bức tranh Hàng Trống đề tài Đạo giáo và Phật giáo, sưu tầm tại các vùng dân tộc ít người ở các tỉnh miền núi phía bắc, đã được PGS Phạm Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu mỹ thuật-một trong số những người hiểu biết về tranh Hàng Trống cũng như tranh thờ, thẩm định: đều có từ 50 - 200 năm tuổi. Những bức tranh dài hơn 10m dùng trong các lễ hội: Lễ sắc phong, lễ thủy lục đạo tràng; tranh thờ ở trong gia đình của các dân tộc Cao Lan, Sán Chỉ, Dao, Sán Dìu, Tày, Nùng... không những là di sản văn hóa nghệ thuật quý giá của cộng đồng các dân tộc, mà còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa văn hóa kinh kỳ với các vùng văn hóa tại các địa bàn xa xôi.

Sưu tập để bảo tồn bản sắc

Nhung có biết đến một nghịch lý khiến nhiều người băn khoăn: Bộ sưu tập của các sưu tập gia dày lên thường đồng nghĩa với các hiện vật trong đời sống đồng bào nghèo đi?

Nhung nói: “Tất nhiên mình biết. Nhưng mình chưa bao giờ mua của bà con cái gì cả. Mình sống với bà con rất nhiều, mình tôn trọng đời sống của bà con, nhất là những hiện vật liên quan đến tín ngưỡng. Mình chỉ mua những gì trôi nổi trên thị trường, cái thị trường có lẽ đã tồn tại từ khi mình chưa sinh ra, nếu mình không mua, không biết những hiện vật đó sẽ đi về đâu, có thể nó sẽ đến những nơi không biết trân trọng những giá trị. Cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số đang đổi thay rất nhiều, nhiều đồ dùng truyền thống không được sử dụng nữa, khi đó sưu tầm, gìn giữ nó là cần thiết. Mỗi vật dụng của người dân tộc thiểu số đều được làm thủ công, do bàn tay lao động của bà con tạo nên, tất cả đều chứa đựng bao công sức, tâm huyết cũng như ý nghĩa cuộc sống trong đó, mỗi vật dụng đều chỉ có duy nhất một cái, sang đến cái thứ hai đã ít nhiều khác đi về chi tiết và màu sắc. Nên khi du khách đến với Galery của mình, không phải thứ nào họ thích cũng có thể mua được, dù trả giá cao. Bởi có những món đồ quý hiếm duy nhất chỉ có một. Mình không muốn những hiện vật mang tính bản sắc của đất nước mình lại theo chân những người nước ngoài tuột ra khỏi Việt Nam. Và những lần như thế, mình thấy thanh thản trong lòng vì đã làm điều gì đó để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.

Chính vì ý nghĩ đó mà 5 năm qua, từ ngẫu hứng-tò mò-say mê, Nhung đã đi và sưu tầm cho thỏa “cơn khát”. Galery 54 Traditions mang ý nghĩa đại diện bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam, không chỉ là nơi khách du lịch nước ngoài tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp dân dã của đời sống người Việt, mà mục đích chính của địa chỉ này là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Và cũng chính cái “tham lam” muốn tìm hiểu, tìm kiếm để gìn giữ mà đến nay Nhung rất tự hào có "phông" kiến thức độc đáo và sâu sắc về đời sống, phong tục các dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, Nhung đang ấp ủ viết một cuốn sách về sinh hoạt tín ngưỡng các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Dìu.

Trân trọng, quý mến và có ý thức giữ gìn thôi chưa đủ. Nguyễn Thị Nhung còn đang làm thủ tục chuyển giao gần 200 hiện vật trong cuộc trưng bày "Đi tìm giá trị văn hóa của hiện vật trôi nổi trên thị trường" cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới.

VƯƠNG ANH