Tranh thờ ra triển lãm
QĐND Online - Tại nhà triển lãm 42 Yết Kiêu, Hà Nội đang diễn ra một triển lãm tranh mang ý nghĩa tâm linh: “Tranh thờ Đạo giáo – Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam”. Tham dự triển lãm có 150 bức tranh thờ cùng 4 áo thầy cúng, 30 mặt nạ gỗ (của thầy cúng) cùng 3 khuôn in tranh và 4 giấy cấp sắc cho các thầy cúng được “trích” ra từ bộ sưu tập tranh thờ của nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ.
 |
Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ
|
Lịch sử phong kiến trung - cận đại của Việt Nam đã để lại những di sản, là hai dòng tranh khá là lý thú. Thứ nhất là dòng tranh “niên họa” dân gian, phục vụ nhu cầu trang trí, chúc lành chúc phúc năm mới hoặc đốt cúng cho người âm, làm bùa “trấn trạch” trong nhà. Các “đại biểu” nổi tiếng của dòng tranh này là Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình (Huế) và Kim Hoàng (đã thất truyền).
Dòng tranh thứ hai là tranh thờ Đạo giáo của một số dân tộc miền núi có nguồn gốc từ miền Hoa Nam, tranh Phật giáo của dân tộc Việt, vẽ chân dung các hệ thần (thế giới thần) trong thế giới thần linh trên trời, dưới đất, dưới nước của Đạo giáo trên giấy dó bồi cuộn trục. Dòng tranh này có lịch sử ra đời 300-400 năm. Chúng không phải dùng để treo trang trí mà dùng cho mục đích hành lễ Đạo giáo với đặc quyền sử dụng là các thầy phù thủy miền núi như các thầy mo, thầy tào, ông Then, bà Then. Những thầy phù thủy miền núi của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Dao, Dáy…chính là những “họa sĩ” đầu tiên của dòng tranh này. Họ vẽ chúng ra với niềm thành kính ngưỡng vọng sâu sắc với thế giới thần linh xung quanh, bản năng tâm linh và sự trong sạch của tâm hồn con người ngày xưa. Mỗi khi đi cúng, làm lễ “cấp sắc”, đám cưới, đám ma, đám phạt… họ đem “các thần” được cuốn lại bỏ trong túi. Đến nhà gia chủ thì giở tranh ra, chăng xung quanh bàn làm lễ và quanh nhà gia chủ, như một sự hiện diện chứng kiến của các thần trong nghi lễ. Tranh để cúng, cùng các vật dụng cúng tế như là một thứ gia bảo truyền nghề của các thầy phù thủy. Theo các nhà nghiên cứu, một bộ tranh đầy đủ có lẽ có tới 150 vị thần, có bộ tranh dài hàng chục mét.
Qua nhiều sự biến của lịch sử, chiến tranh, các đợt “bài trừ mê tín dị đoan”, nên nghề phù thủy cúng lễ bị ngăn cấm. Các bộ tranh cũng phân tán theo nhiều kiểu. Một là bị đốt bỏ, hai là chúng được cho, tặng, bán… mới đầu cho một số thầy giáo có tri thức ở dưới xuôi lên, các họa sĩ dưới xuôi lên thực tế ở miền núi, những người buôn vét đồ cổ… Chúng được lưu giữ như những kỷ niệm hiếm hoi của mĩ thuật tôn giáo trong các bảo tàng và sưu tập cá nhân. Được các nhà sưu tập nước ngoài săn lùng.
Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ (sinh năm 1967) là chủ xưởng mộc đóng khung tranh cho các họa sĩ tại trường Mỹ thuật Hà Nội – 42 Yết Kiêu. Khoảng từ năm 1999, anh bắt đầu sưu tập đồ gốm cổ. Đến năm 2001, bắt đầu chuyển sang sưu tập tranh. Bộ tranh thờ cúng Đạo giáo – Phật giáo của Phạm Đức Sĩ sưu tập lên tới gần 350 bức. Gồm tranh của dân tộc Kinh (11), tranh Tày, Nùng (65), tranh Cao Lan, Sán Chỉ (60), tranh Sán Dìu (150), tranh Dao (60).
Phạm Đức Sĩ nói: “Lý do tôi sưu tập bộ tranh thờ cúng này bởi chúng có ý nghĩa tín ngưỡng đối với các dân tộc Việt Nam rất lớn. Về mặt mỹ thuật, chúng có mầu sắc đẹp, bố cục, không gian tạo hình đặc sắc, thẩm mỹ mầu rất mạnh mẽ nhưng hợp lý, được vẽ bằng các chất liệu khoáng chất, thảo mộc bây giờ không ai dùng, nhưng vẫn còn bền mầu. Việc nghiên cứu chúng sẽ là những gợi ý rất lớn cho hành trình của các họa sĩ đương đại trên con đường sáng tạo ra những tác phẩm vừa bản sắc – vừa hội nhập. Chúng xứng đáng là một tài sản của dân tộc, bị bán ra nước ngoài rất nhiều nên tôi mua với mục đích để giữ lại trong nước. Nếu như có một bảo tàng nào đó trong nước quan tâm tới bộ sưu tập này với một thái độ tôn trọng giá trị đúng mực thì tôi sẽ sẵn sàng tặng lại cho họ”.
Bài, ảnh: Việt Lam