 |
Đồng bào Pa Dí là một nhóm nhỏ của dân tộc Tày
|
Cũng giống như bà con các dân tộc thiểu số sống trên núi cao, đồng bào Pa Dí tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng giữ riêng cho mình một khu rừng cấm, họ gọi đó là rừng thiêng. Rừng thiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng người Pa Dí, vì họ quan niệm thần rừng, thần cây, thần suối là những vị thần giúp xua đuổi thú dữ, cho gỗ làm nhà, cho nguồn nước uống,.. Bởi vậy, họ linh thiêng hóa khu rừng với ý thức tự nguyện bảo vệ các vị thần phụ trợ cho thôn bản của mình. Họ giữ rừng như giữ chính ngôi nhà của mình, không bao giờ dám chặt cây, hay bẻ dù chỉ một nhánh cành. Từ khi còn là những đứa trẻ, người Pa Dí được ông bà, cha mẹ truyền dạy, giáo dục những luật tục của dân tộc mình về trách nhiệm, bổn phận trước khu rừng thiêng của thôn.
Theo TS Dương Tuấn Nghĩa - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai: “Với các cư dân ở vùng cao, cuộc sống của họ gắn liền với rừng núi nên khu rừng với họ rất quan trọng. Ngày nay cũng thế, những khu rừng nào cần bảo vệ thì người dân bảo vệ rất tốt, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, khu rừng bảo vệ cho sự an nguy của các thôn bản”.
Rừng thiêng trong làng sẽ được giao cho một hoặc hai người quản lý phụ trách giải quyết mọi hoạt động liên quan đến cộng đồng và nghi lễ tâm linh trong một năm, trong đó quan trọng nhất là lễ cúng rừng. Không ai biết tục cúng rừng này có từ bao giờ và từ đâu, chỉ biết đó là một nghi lễ quan trọng được truyền từ ngàn đời nay. Người Pa Dí ở thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, thường tổ chức nghi lễ cúng rừng vào cuối tháng Một âm lịch hàng năm, tại khu rừng cấm của thôn với lễ vật là những sản vật do dân làng tự tay nuôi trồng.
TS Dương Tuấn Nghĩa cho biết: “Lễ cúng rừng này có mục đích là tạ ơn Rừng Thiêng, tạ ơn Thần Linh trong một năm qua đã hỗ trợ, bảo vệ, chở che cho cộng đồng trong thôn, cũng là nghi lễ để người dân cầu cho một năm mới đầy đủ hơn, được mùa màng bội thu. Như chúng ta thấy khu rừng thiêng được cộng đồng bảo vệ rất tốt và nghi lễ này liên quan rất nhiều đến tín ngưỡng thờ Rồng, gọi là thờ con rồng, với con rồng là biểu tượng của nước và cư dân nông nghiệp rất mong muốn một năm mới được mưa thuận gió hòa để làm sao canh tác nông nghiệp của đồng bào được thuận lợi hơn, tốt hơn để năm mới được đầy đủ thóc, đầy đủ các sản vật phục vụ cho cuộc sống của mình”.
 |
Người Pa Dí chọn một gốc cây và sửa soạn ban thờ đơn giản nhưng linh thiêng |
Từ sáng sớm, thầy cúng, người giúp việc cho thầy cúng cùng dân làng đã có mặt để chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ. Ông Vàng Phà Sẩu - Thầy cúng tại thôn Sa Pả, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nói về phong tục cúng rừng tại đây: “Nói chung, lễ hội lớn nhất của dân tộc Pa Dí là lễ hội Cúng Rừng. Cúng Rừng này là cả 3 cụm dù cách nhau bao xa thì hàng năm vẫn phải tụ lại cúng, đó là phong tục từ lâu đời thời các cụ các ông truyền lại, lưu giữ đến nay. 3 thôn hiện nay có 70 mái nhà về cúng rừng này. Năm nào, đời nào cũng vậy. Nếu có ngày 30 thì lấy 30, không có 30 thì lấy 29, Âm lịch ấy! Lấy gà về cúng rừng thì hô cả 3-4 thôn về cúng Rừng”.
Lễ vật bắt buộc phải có trong lễ cúng rừng là con gà trống mỏ vàng, chân vàng, cùng với thịt của con lợn cái, với ý nghĩa cầu mong vạn sự sinh sôi nảy nở. Ông Pờ Chín Dèn - Thầy cúng tại thôn Sa Pả, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: “Một con gà, một con lợn cúng. Cả 3 – 4 thôn, mỗi một năm là một nhà nuôi con lợn để cúng Rừng. Con gà thì mua cũng được, càng to càng tốt, còn lợn thì phải góp tiền mua.”
Anh Táo Vởi Chín - thôn Sa Pả, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Theo luật, cứ một năm 1 hộ nuôi, lần lượt nhà này rồi nhà khác. Cứ đầu năm mua lợn về nuôi, không cho tăng trọng thì nuôi ăn mới ngon, chắc thịt. Ví dụ nhà khác rồi bây giờ đến nhà tôi. Nếu gia đình nuôi được to, béo thì gia đình mang về, nếu thiếu thì phải mua bù thêm vì quy định là 45kg móc hàm, không tính lòng,.. Xong rồi tất cả mang vào nấu một chảo luôn như thắng cố mới ngon. 10 đến 12 người tới đây giúp từ sáng sớm, đun nước, mổ lợn..”.
 |
Mỗi năm một hộ gia đình đảm nhận việc nuôi lợn để cúng trong lễ cúng rừng |
Ông Pờ Chín Dèn cho biết thêm: “Hồi xưa các cụ bảo cúng Rừng phải có 1 bát gạo, 1 quả trứng, cho giấy, điểm thêm tờ giấy ở dưới bát gạo, dưới trứng 1 cái nhưng bây giờ, mấy năm chẳng thấy tờ giấy nào điểm vào bát gạo đâu. Trước khi cúng, cắm 3 cái hương, báo cho Thần biết rồi mới đặt mâm kê, xong đặt bát đỗ rồi mới thắp hương. Nấu chín là để chuẩn bị đi cúng cái chín thì phải đủ bát cơm, đủ bát thịt, đủ hết mới cúng được”.
Nghi thức cúng được chia thành 2 phần: Phần tế sống – là mang các con vật đã được rửa sạch, cúng dâng cho thần rừng, mời thần về chứng dám. Phần thứ hai là cúng đồ chín, dâng lễ vật lên mời thần rừng về hiến hưởng. Khi thực hiện nghi thức cúng, thầy cúng sẽ gọi tên các lễ vật rồi mời thần rừng và sơn thần, thổ địa về dự và nhận các lễ vật mà dân làng đã chuẩn bị. Theo ông Pờ Chín Dèn, sau khi cúng chín thì phải đốt tiền vàng tại gốc cây được lựa chọn để cúng Rồng. Ông Vàng Phà Sẩu cho biết thêm:“Thời trước cúng thì có xem xương gà xem tốt hay không tốt. Nếu mà không tốt thì mình phải chú ý một tí. Nếu mà tốt thì mình cúng thoải mái. Bây giờ không có xem thì chỉ có cúng như thế thôi. Người biết xem thì không có nữa rồi”.
Khi kết thúc hai bài cúng của hai phần, cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã về và chấp nhận các lễ vật mà dân làng dâng lên. Nội dung của bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần rừng đã chở che cho người dân và mong muốn một năm mới, tất cả mọi người có sức khỏe tốt, nhà nhà sung túc, làm ăn gặp nhiều may mắn. Ông Vàng Phà Sẩu chia sẻ: “Cái này thì cũng không được học nhưng mà thấy các ông ý bầy cúng như thế nào thì mình cũng làm theo thế ấy thôi. Không có bài khấn cụ thể bởi vì người Pa Dí không có chữ, không như người Nùng, người Mông có chữ của dân tộc ấy cho nên cúng Rừng cấm này thì nghĩ thế nào cúng thế ấy thôi!”.
 |
Phần cúng chín trong lễ cúng rừng. |
Theo quy định của người dân tộc Pa Dí, mỗi gia đình chỉ có một người được đi dự lễ, mang theo giấy (tiền vàng) và hương đến cúng. Sau phần lễ linh thiêng, uy nghiêm là phần hội. Dân làng cùng thụ hưởng lễ vật, cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn kết, cùng hát ca và vui chơi các trò chơi dân gian ngay trong rừng cấm. Chị Thào Sần Thủy - thôn Sa Pả, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Cuối bữa cơm này nếu mọi người sẽ họp nhau và thông báo năm nay đóng góp bao nhiêu tiền thì tất cả chung nhau đóng góp để giao cho nhà được phân công để năm sau nuôi lợn”.
Sau khi toàn bộ phần lễ và phần hội kết thúc, bà con ra về và trong vòng 3 ngày tiếp theo, không ai được vào rừng. TS Dương Tuấn Nghĩa: “Sau lễ cúng này cộng đồng sẽ cùng chung tay bảo vệ rừng. Đây là khu rừng thiêng của thôn nên tất cả cây cối trong này thì người ta theo quan niệm rằng nó là cây của rừng, của Thần linh, con người như mình không được phép sử dụng. Tất cả cây ở trong rừng, rất nhiều cây to bị chết, bị khô nhưng dân bản không dám mang về mà những cây khô này người ta vẫn để trong rừng đấy để mỗi năm, vào dịp Lễ Cúng Rừng này người ta lại lấy những cây khô đó ra để làm củi nấu để chuẩn bị lễ vật dâng cúng Rừng. Cho nên trong các quy ước, hương ước của đồng bào người ta có những quy định rất rõ về vấn đề gìn giữ khu rừng này. Nếu như bất cứ một gia đình nào mà vi phạm quy định này thì sẽ có hình thức xử phạt theo quy ước của thôn rất rõ ràng!”.
 |
Đồng bào Pa Dí đến dự lễ và thắp hương cúng các vị thần. |
Có thể nói, lễ cúng rừng của đồng bào dân tộc Pa Dí tại Mường Khương là sợi dây tâm linh gắn bà con với nhau, biểu thị sự đồng lòng vì bản làng, vì cộng đồng và vì thiên nhiên. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, giữ màu xanh cho những cánh rừng đại ngàn, nguồn sống của đồng bào vùng cao.
Bài, ảnh: THÙY LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.