Mừng cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cống ở tỉnh Điện Biên. Theo những người cao tuổi, lễ mừng cơm mới đã có từ xa xưa, gắn liền với tập quán canh tác nông nghiệp của người Cống.
Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên địa bàn, người Cống phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tập quán canh tác lúa trên các thửa ruộng, trên nương rẫy. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhớ tới công lao của những thế hệ đi trước đã chỉ dạy kinh nghiệm trong lao động sản xuất, sau mỗi mùa thu hoạch, đồng bào Cống lại tổ chức lễ mừng cơm mới để tạ ơn tiên tổ.
 |
Đồng bào dân tộc Cống biểu diễn điệu múa tra hạt trong lễ mừng cơm mới. |
Thời gian tổ chức lễ mừng cơm mới được các gia đình trong từng dòng họ lựa chọn kỹ càng. Sau khi ấn định được ngày tốt, gia chủ sẽ thông báo tới mọi người và phân công chuẩn bị đồ lễ, vật dụng cũng như thống nhất các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian trong ngày lễ. Đến ngày tổ chức, mọi người trong gia đình, dòng họ tập trung trước ban thờ để làm lễ cúng. Lúc này chủ nhà mang lễ vật đến trước ban thờ thực hiện nghi lễ mời tổ tiên, ông bà, bố mẹ và những người đã mất về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Trong những ngày tổ chức lễ mừng cơm mới, các gia đình trong bản sẽ tập trung đông đủ cùng tham gia để cầu mong tổ tiên, ông bà, bố mẹ phù hộ cho mùa màng bội thu, mọi thành viên trong gia đình có sức khỏe, may mắn, sau đó cùng tham gia các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống. Lễ mừng cơm mới không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân trong bản mà còn là dịp đồng bào ở bên nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và trong cuộc sống, đồng thời góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bài và ảnh: XUÂN HÒA
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.
Dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 hằng năm, đông đảo du khách gần xa lại đổ về xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La để cùng hòa mình vào lễ hội mừng cơm mới của đồng bào các dân tộc nơi đây, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng.
Nếu như lễ hội Lồng tồng mở đầu cho một năm mới thì Tết cơm mới được xem là nghi lễ kết thúc một năm lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Tày.