Sự tận tụy, say mê công việc đã giúp Kpuih Mol luôn giữ vững danh hiệu “Bàn tay vàng”, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được Bộ Quốc phòng tuyển dụng làm công nhân quốc phòng.
Đến thăm nhà anh Kpuih Mol, ở làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chúng tôi ấn tượng trước những tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giấy chứng nhận “Bàn tay vàng” của Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15 được anh đóng khung, treo trang trọng trên tường. Anh Kpuih Mol bộc bạch: “Tôi làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty Bình Dương từ năm 2010. Chỉ sau một tuần được tuyển dụng vào Công ty, học kỹ thuật cạo mủ, tôi được ưu tiên cho đi khai thác mủ trực tiếp tại vườn và gắn bó với công việc này từ đó đến nay”.
 |
Anh Kpuih Mol luyện tập kỹ thuật cạo mủ cao su.
|
Nghề cạo mủ cao su rất cực nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì, nhẫn nại. Nhưng vốn cần cù, chịu khó, Kpuih Mol càng làm việc càng hăng say. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh thể hiện sự khiêm tốn, cầu thị, chủ động học tập kinh nghiệm của những người đi trước, từ cán bộ đội sản xuất, đến các đồng nghiệp. 14 năm gắn bó với nghề khai thác mủ cao su, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài tích cực trau dồi kiến thức, kỹ thuật cạo mủ, Kpuih Mol còn chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để khai thác mủ. “Mùa mưa, chúng tôi thường đi khai thác từ 1 giờ đến 6 giờ sáng. Để khai thác mủ đạt yêu cầu và vượt sản lượng mà không gây tổn thương cho cây, chúng tôi phải chuẩn bị dụng cụ cạo sắc bén, cạo đúng kỹ thuật, độ sâu nhất định”, Kpuih Mol tâm sự.
Khi chuyên môn đã vững vàng, Kpuih Mol hăng hái tham gia cùng các công nhân lành nghề trong Công ty Bình Dương hướng dẫn bà con nhận khoán kỹ thuật, quy trình chăm sóc vườn cây và khai thác mủ cao su. Theo Kpuih Mol, muốn mủ cao su đạt năng suất và sản lượng, đường cạo phải đúng tiêu chuẩn, có độ dốc, có lòng máng, vuông tiền, vuông hậu, không lệch miệng, không vượt tuyến, không gợn sóng. Bên cạnh đó, người công nhân phải chú ý vệ sinh vườn, thoát nước tốt trong mùa mưa, chặt bỏ những cành thấp, cành bị bệnh, nhằm tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời làm cỏ, bón phân và bón đúng quy trình, tùy tuổi cây, loại phân để bón đủ số lượng.
 |
Anh Kpuih Mol (người ngồi) hướng dẫn đồng nghiệp kỹ thuật cạo mủ cao su. |
Nghe anh công nhân người dân tộc Jrai say sưa nói về kinh nghiệm chuyên môn, chúng tôi đã hiểu vì sao nhiều năm qua, anh luôn đứng tốp đầu về kỹ thuật, năng suất trong đội ngũ thợ cạo mủ của Công ty Bình Dương, thường xuyên được chọn tham gia hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su cấp Công ty và Binh đoàn, đạt được thành tích xuất sắc. Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương khẳng định, công nhân quốc phòng Kpuih Mol không những tận tụy trong công việc mà còn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Hằng tháng, anh đều được xếp loại lao động khá, giỏi trở lên và hằng năm đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu. Kpuih Mol cũng sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật tay nghề cho các công nhân, góp phần vào thành tích chung của Binh đoàn 15 nói chung, Công ty Bình Dương nói riêng.
Được biết, để đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, công nhân cạo mủ cao su phải thường xuyên tự học hỏi, rút kinh nghiệm và nhất là phải “vững lý thuyết, giỏi thực hành” ý thức cá nhân cao, trang bị dụng cụ cá nhân và đảm bảo quản lý vật tư tốt nhất. Muốn đạt được điều này, công nhân phải tự rèn luyện hằng ngày, miệt mài, kiên nhẫn, trên mỗi phần cây, lát cạo, có sự sáng tạo và lòng yêu nghề. Vì thế, có thể nói những công nhân thợ giỏi như Kpuih Mol chính là chủ nhân của năng suất lao động cao nhất, năng suất vườn cây cao nhất và kỹ thuật giỏi nhất, xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN TIẾN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.