Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo,… Đây là địa bàn khó khăn về giáo dục, đào tạo, do đó luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ban hành các chính sách để phát triển bền vững.

Sau nhiều năm học trong những ngôi trường xuống cấp, ẩm thấp, năm học 2023 - 2024, thầy và trò tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Hải (huyện Kiên Lương) vui mừng khi trường được đầu tư xây mới. Ông Đặng Hùng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kiên Lương cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở) Hòn Nghệ và Trường Tiểu học và THCS Sơn Hải được đầu tư xây mới nhiều hạng mục, công trình. 

Những ngôi trường mới khang trang, sạch, đẹp đưa vào sử dụng, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh học tập, rèn luyện và là động lực để thầy và trò cùng nhau cố gắng hoàn thành sự nghiệp trồng người”. 

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tặng xe đạp cho các em học sinh dân tộc Khmer vượt khó học giỏi. Ảnh: NHƯ TÂM 

Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Kiên Giang còn đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. 

Quy mô trường lớp tiếp tục được đầu tư; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số theo đúng quy định. Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 90% mỗi năm. Việc dạy và học chữ Khmer được các cấp, các ngành và đồng bào Khmer quan tâm hơn. 

Toàn tỉnh hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, gần 5.900 học sinh là dân tộc Khmer theo học. Hiện tỉnh Kiên Giang có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú với trên 1.600 học sinh, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang dạy nghề cho hơn 600 học sinh là người dân tộc thiểu số.

Hệ thống trường, lớp vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Cô Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, phấn khởi cho biết: “Trường vừa đón Bằng công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I; kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ II. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trường đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào, đã bồi dưỡng đào tạo ra hàng nghìn thế hệ học trò là con em đồng bào dân tộc thiểu số và đã có những cống hiến tích cực cho quê hương. Được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy và học, cùng với đó là đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn, có tinh thần yêu nghề, mếm trẻ, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân địa phương gửi gắm con em đến học”. 

 Cùng với chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục, tỉnh Kiên Giang còn quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên không chuyên tại các điểm chùa.

Đối với người Khmer, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo mà còn là nơi giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Cùng với chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục, tỉnh Kiên Giang còn quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên không chuyên tại các điểm chùa. Tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và đảm bảo việc dạy chữ Khmer trong dịp hè. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí phụ cấp cho giáo viên dạy chữ Khmer từ 1- 1,3 triệu đồng/giáo viên/tháng.

Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Từ sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp và hội đoàn kết sư sãi yêu nước các huyện, thành phố từ năm 2014 đến nay, có 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè, với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer tham gia mỗi năm”.

Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Kiên Giang đã bảo đảm kiên cố; không còn trường học, lớp học tạm; chất lượng giáo dục của tỉnh, trong từng cấp học đang từng bước nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số hàng năm đều đạt kết quả từ 95 - 100%. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh vì sự nghiệp “trồng người”…

Bài và ảnh: NGỌC THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.