Như tại ấp Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao) có tới 80% là đồng bào Khmer sinh sống, đã một thời, Thạnh Hòa 3 thuộc diện ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, kết hợp với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đồng thời, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất, nhờ đó đến nay Thạnh Hòa 3 đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng lên.

Tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở kết cầu hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. 

 

Gia đình anh Danh Lợi, người dân tộc Khmer, ở ấp Thạnh Hòa 3 có 4 nhân khẩu, trước đây thuộc diện hộ nghèo của ấp. Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Quao hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, anh cải tạo đất trồng các loại hoa màu để bán nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó, cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá lên. Tháng 10-2022, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo và anh xây được căn nhà mới.

Ông Danh Bạch, Bí thư chi bộ ấp Thạnh Hòa 3 chia sẻ: “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giúp đồng bào phát triển kinh tế nên đến nay, cuộc sống người dân ấp Thạnh Hòa 3 phát triển hơn trước rất nhiều. Từ sự đóng góp của nhân dân, các con đường giao thông được bê tông hóa, ấp không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 12 hộ (chiếm 4,2%); 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...”.

Có thể nói rằng, việc lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ở tỉnh Kiên Giang đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ dân đã yên tâm khi có chỗ ở ổn định, sử dụng tốt các nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được phân bổ nguồn vốn đầu tư hơn 66,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 57,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng hơn 8,6 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Kiên Giang đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tăng thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 1,5 đến 2%; phấn đấu 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được trải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố... Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng”.

Trong những năm qua, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

HỮU LỢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.