Mới đây, có dịp gặp anh Siu Luy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ia Pết khi anh đưa thanh niên DTTS của xã đến nhập học tại Trường Cao đẳng Gia Lai, chúng tôi thực sự ấn tượng với tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đoàn có làn da bánh mật này. Không chỉ tận tình đưa các thanh niên đến nhập học mà sau đó, anh còn thường xuyên gọi điện hỏi thăm về tình hình học tập của các em.

Thậm chí, khi các gia đình ở xã muốn đón con về vì nhớ con, cán bộ nhà trường lại gọi điện thoại nhờ anh động viên gia đình. Khi có em bỏ học về nhà, anh lại đến vận động và đưa các em trở lại lớp... Chính điều đó đã góp phần giúp số thanh niên DTTS của xã Ia Pết theo học nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng lên theo từng năm.

leftcenterrightdel

 Thanh niên dân tộc thiểu số xã Ia Pết học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai.

Theo anh Nguyễn Phi Cưng, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Pết, có được kết quả đó là nhờ chính quyền địa phương, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa thường xuyên tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề, hướng nghiệp tại địa phương.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Ia Pết, trong năm học 2021-2022, có 101 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 48 em tiếp tục học THPT và 6 em học nghề tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Năm học 2022-2023, có 104 học sinh tốt nghiệp THCS và 21 em theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 20,1%). Còn với thanh niên nói chung, số đi học nghề năm 2023 đã tăng gấp 3,5 lần so với năm 2022.

Để đạt được con số ấn tượng này, theo anh Siu Luy, đó là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp vận động của các thầy cô giáo trên địa bàn xã cũng như giảng viên của Trường Cao đẳng Gia Lai đến hướng nghiệp tại địa phương.

Đặc biệt, năm 2022, Ia Pết được chọn là xã thí điểm của Đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Ngay khi có kế hoạch, Đoàn Thanh niên xã Ia Pết đến từng gia đình tuyên truyền, vận động các em học hết THCS mà không tiếp tục theo học THPT thì học nghề.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Song Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Ia Pết cho biết: “Ia Pết là xã khu vực II, có 5/8 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có hơn 8.400 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 89%, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 9,26%); một số tập quán lạc hậu còn tồn tại, đa số học sinh chỉ học hết cấp THCS là nghỉ học ở nhà đi rừng, làm rẫy...

Chính vì vậy, thời gian qua, UBND xã chú trọng vận động con em trên địa bàn, nhất là thanh niên DTTS đi học nghề. Cùng với đó, nhờ chính sách của Nhà nước miễn phí học nghề bậc trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp THCS nên khi được UBND xã vận động đi học nghề, đã có nhiều em đăng ký theo học. Năm 2019, Trường Cao đẳng Gia Lai mở lớp dạy nghề thợ xây ở địa phương. Hiện nay, những học viên tham gia lớp học nói trên đều có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 300.000-350.000 đồng/ngày”.

Ông Vil ở làng Ođeh, xã Ia Pết, có con đã tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề 6 tháng, hiện đang làm việc tại Công ty Cổ phần May Gia Lai, vui vẻ kể rằng: “Gia đình tôi có 6 miệng ăn mà chỉ có mỗi mình tôi đi làm, vợ thì đau ốm thường xuyên. Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, con gái lớn của tôi được tham gia lớp học nghề. Giờ đây, cháu đã có việc làm ổn định, mỗi tháng cũng gửi về phụ giúp gia đình 2-3 triệu đồng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi mừng lắm”.

Việc ngày càng có đông thanh niên DTTS ở xã Ia Pết tham gia học nghề cho thấy, khi chính quyền các cấp đồng lòng vào cuộc, các cơ sở đào tạo làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, gắn kết với doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động thì hiệu quả thể hiện rõ rệt qua các năm. Các gương học nghề thành công của thanh niên DTTS ở xã Ia Pết đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS nơi đây.

Bài và ảnh: TẠ NGỌC ĐIỆP

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.