Là tỉnh có đông đồng bào DTTS, thời gian qua, Yên Bái đã tích cực triển khai các hoạt động, thực hiện hiệu quả Chương trình. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Quang Vịnh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái xung quanh vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đỗ Quang Vịnh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi ở Yên Bái được triển khai như thế nào?

Đồng chí Đỗ Quang Vịnh: Để giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống, trong những năm qua, ngoài những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Yên Bái cũng triển khai một số chương trình hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, chính sách vùng DTTS và miền núi ở tỉnh Yên Bái từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là hơn 7.123 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, chính sách dân tộc do Trung ương ban hành là hơn 4.062 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các chương trình do địa phương ban hành là hơn 3.061 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 32,21% năm 2016 xuống còn 4,76% năm 2021. Đến cuối năm 2022, theo kết quả rà soát chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo toàn tỉnh là 28.433 hộ (chiếm 12,92%), trong đó số hộ nghèo DTTS là 24.693 hộ (chiếm tỷ lệ 86,84% tổng số hộ nghèo).

Cùng với đó, hệ thống chính sách dân tộc được tỉnh triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, từng bước hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cũng được tập trung đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Yên Bái có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; 27 xã nông thôn mới nâng cao và 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng...

PV: Trong quá trình thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tỉnh Yên Bái gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Quang Vịnh: Để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 có hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch xác định nhiệm vụ cụ thể, nội dung rõ ràng, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nhằm bảo đảm đồng bộ, kịp thời, thống nhất, hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án của Chương trình; xác định rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và thời gian hoàn thành; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Yên Bái cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Trình độ dân trí đồng bào DTTS không đồng đều; tại nhiều thôn, bản, đồng bào sinh sống không tập trung, ít có cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập. Một bộ phận nhỏ người dân không muốn thoát nghèo, không muốn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” thuộc Dự án 10 chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tại khoản 2, Điều 5 quy định: “Đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo cơ chế đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định”. Theo đó, các địa phương phải ban hành cơ chế đặc thù, điều này cũng gây khó khăn, thêm thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện.

leftcenterrightdel
Người dân và cấp ủy, chính quyền xã Nậm Có (Mù Cang Chải, Yên Bái) làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: HỒNG MY 

PV: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái đề ra những cách làm, mục tiêu, giải pháp như thế nào?

Đồng chí Đỗ Quang Vịnh: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, thời gian tới, tỉnh Yên Bái chỉ đạo chính quyền cơ sở phổ biến đầy đủ các chính sách, cơ chế, quy định đến cộng đồng dân cư, người dân tham gia thực hiện Chương trình. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch trong phân bổ vốn kế hoạch thực hiện Chương trình. Tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc triển khai chương trình cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn, đặc biệt cho hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn nhằm góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định đời sống. 

Từ đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS, tỷ lệ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh. Có 50% số thôn, xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn...

PV: Để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở vùng DTTS tỉnh Yên Bái, đồng chí có đề xuất, kiến nghị gì?

Đồng chí Đỗ Quang Vịnh: Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định bắt buộc việc thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của các địa phương để triển khai thực hiện bảo đảm chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, không giao theo các lĩnh vực (sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin...) để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện các nhiệm vụ...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG THỊNH TRANG (thực hiện)