Trước thực tế đó, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Than Uyên (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động, từng bước giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa mới.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Ban CHQS huyện Than Uyên thăm hỏi, vận động người dân xã Tà Mung thực hiện nếp sống văn hóa mới. 

Một ngày cuối tháng 2-2023, gia đình ông Mùa A Mang, dân tộc Mông, nhà ở bản Tu San, xã Tà Mung có bố đẻ là cụ Mùa Vàng Sung do tuổi cao, sức yếu đã từ trần. Theo tập tục từ lâu của đồng bào Mông và bà con trong bản, gia đình ông Mang dự định mổ trâu, lợn, gà, làm cơm tổ chức đám tang cho người quá cố trong 5 ngày để thể hiện sự hiếu nghĩa đối với đấng sinh thành. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của gia đình ông Mùa A Mang còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhận được thông tin từ cơ sở báo về, lãnh đạo, chỉ huy Ban CHQS huyện Than Uyên đã cử tổ công tác do Đại úy QNCN Trần Đức Trường, nhân viên Ban Chính trị phụ trách, cùng cán bộ Ban CHQS xã và các ngành, đoàn thể của xã Tà Mung đến tuyên truyền, vận động gia đình ông Mùa A Mang thực hiện nếp sống văn hóa mới: Không để người đã mất trong nhà quá 48 giờ, phải tổ chức khâm liệm, đưa thi hài vào áo quan để bảo đảm vệ sinh; không ăn uống linh đình dài ngày... Lúc đầu, trong gia đình ông Mang cũng có một số ý kiến phản đối, nhưng sau gần 3 giờ thuyết phục, phân tích, giải thích, đại gia đình đã hiểu ý nghĩa của việc tổ chức tang lễ theo nếp sống mới, vừa không tốn kém kinh tế, vừa không lãng phí thời gian, lại bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngay hôm đó, gia đình ông Mùa A Mang đã viết cam kết không tổ chức đám tang dài ngày mà tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm như lời vận động của bộ đội và cán bộ địa phương... Từ thời điểm đó đến nay, trong bản Tu San có thêm một người nữa qua đời, mặc dù các thủ tục cúng lễ không thay đổi nhưng việc tổ chức tang lễ đã gọn nhẹ, không để người chết trong nhà dài ngày, không mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà...

Một trường hợp khác là gia đình bà Mùa Thị Dua, nhà ở bản Nậm Pắt, xã Tà Mung. Từ đầu năm 2022, thông qua điện thoại và mạng xã hội, nghe một số kẻ xấu tuyên truyền, dụ dỗ, bà Dua đã dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, đồng thời có những biểu hiện khác lạ, sống khép kín, ít trò chuyện, giao tiếp với bà con trong bản. Thậm chí mọi việc họp hành của các hội, đoàn thể và của bản, bà Dua cũng không tham gia. Nhận được thông tin từ Trưởng bản Nậm Pắt và chính quyền địa phương, Ban CHQS huyện Than Uyên cử tổ công tác về địa bàn xã Tà Mung nắm tình hình, trực tiếp đến gia đình bà Dua tìm hiểu sự việc. Sau khi được bộ đội và cán bộ xã phân tích, giảng giải, bà Dua đã hiểu ra, chặn liên lạc với một số người hay liên hệ dụ dỗ, đồng thời lập lại bàn thờ gia tiên ngay trong ngày hôm đó.

Theo đồng chí Vàng A Mang, Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chiếm đến 39%, đời sống của không ít gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số bản trong địa bàn xã, người dân chưa thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới, một số công việc trong đời sống, sinh hoạt của bà con còn lạc hậu, làm theo thói quen, tập tục đã tồn tại bao đời, nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Than Uyên, đồng bào đã và đang dần loại bỏ những hủ tục rườm rà gây tốn kém, phiền phức trong cuộc sống hằng ngày. 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Đức Thành, Chính trị viên Ban CHQS huyện Than Uyên cho biết: “Hiểu sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Ban CHQS huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chính trị xây dựng kế hoạch làm công tác dân vận ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp; thành lập tổ công tác chuyên trách, thường xuyên và đột xuất sẵn sàng “bốn cùng” với bà con, chủ động bám nắm địa bàn, tình hình dân cư. Cùng với đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Qua đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ càng được tô thắm trong đồng bào các dân tộc nơi đây".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN