Năm nay mới 16 tuổi nhưng Vàng Thị Phấn ở thôn Tà Chải, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì và Vàng Văn Kim, 16 tuổi, ở cùng thôn, đã về sống chung với nhau hơn 2 năm và đã có con hơn 1 tuổi. Kể từ ngày về ở với nhau, cuộc sống của đôi vợ chồng “trẻ con” Vàng Thị Phấn, Vàng Văn Kim càng thêm khó khăn, thiếu thốn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi đang học lớp 8, Vàng Thị Phấn và Vàng Văn Kim đã tự bỏ học, về ở với nhau như vợ chồng. Còn tại cụm dân cư Hoa Si Pan, xã Bản Máy, nơi có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Phù Lá sinh sống, câu chuyện khiến chúng tôi "dở khóc, dở cười" là khi nghe cán bộ làm công tác dân số ở địa phương kể về anh Sùng Sào Chanh kết hôn với chị Sùng Thị Dỉa, bởi hai người có quan hệ là con bác, con cô. Hiện tại, vợ chồng anh Chanh, chị Dỉa đã sinh được một cháu trai 5 tuổi, song cháu bé bị còi cọc so với các bạn cùng trang lứa.

leftcenterrightdel
 Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 tuyên truyền pháp luật cho người dân tại xã Xín Mần, huyện Xín Mần. Ảnh: QUANG HƯNG

Xã Bản Máy có 4 thôn, bản, gồm 515 hộ với hơn 2.540 nhân khẩu. Cả xã có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, La Chí, Phù Lá... đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 51%. Hiện nay, tại địa phương này còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo thống kê của Hội Phụ nữ xã Bản Máy, năm 2020, Bản Máy có 8 cặp kết hôn, trong đó có 5 cặp tảo hôn; năm 2021, có 15 cặp kết hôn, trong đó có 6 cặp tảo hôn và năm 2022 có 10 cặp kết hôn, trong đó có 2 cặp tảo hôn.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chưa được giải quyết dứt điểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Một bộ phận nhân dân chưa hiểu hết được những hệ lụy của phong tục, tập quán lạc hậu; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh chưa được quan tâm thường xuyên...    

Có một thực tế, hiện nay trên địa bàn các đơn vị thuộc Đoàn KT-QP 313 đứng chân còn tình trạng một số học sinh có suy nghĩ chỉ học lớp 8, lớp 9 là nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng; một số gia đình cũng có tư tưởng chỉ đợi con mình học hết lớp 9 là cho lập gia đình. Chính vì vậy, Đoàn KT-QP 313 đã chỉ đạo các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị tổ chức gặp mặt, tuyên truyền tới các trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ về những hậu quả của hủ tục, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đơn vị phối hợp cùng các thầy, cô giáo đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ các em tiếp tục đến trường, các gia đình chỉ dựng vợ, gả chồng cho con em mình khi đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật; xây dựng các tiểu phẩm sân khấu hóa về tác hại, hệ lụy của phong tục lạc hậu... nhờ đó giúp nhân dân nhận thức được tác hại của các hủ tục, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thượng tá Nông Thanh Dậu, Chính ủy Đoàn KT-QP 313 cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn yêu cầu các chi bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đưa những nội dung trên vào sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ. Cùng với đó, Đoàn sử dụng cán bộ, nhân viên biết tiếng đồng bào, hiểu phong tục, tập quán địa phương, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng tổ chức tốt việc tuyên truyền, kịp thời ngăn chặn vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giữ vững an ninh chính trị địa bàn”.

Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG