Ông Hồ Văn Lương, Bí thư Chi bộ thôn Tà Băng cho biết: “Thôn hiện nay chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 3 (Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, Quân khu 4) và Đồn Biên phòng Cù Bai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị), nhiều vấn đề tồn tại lâu nay như việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn; bà con ốm đau không đi khám mà mời thầy mo về làm lễ cúng... đều được giải quyết dứt điểm. Nhưng vui nhất là các cháu nhỏ, từ ngày có điểm trường mầm non thì không còn phải theo người lớn lên nương rẫy nữa mà được đến lớp học hát, học múa, đọc thơ...”.
    |
 |
Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hướng dẫn bà con thôn Tà Băng (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trồng rau sạch.
|
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thôn Tà Băng nằm ở đầu nguồn dòng Sê Băng Hiêng, trước đây gần như biệt lập với thế giới xung quanh bởi núi cao, suối sâu, do vậy, cuộc sống của người dân trong thôn thiếu ăn quanh năm. Với sự đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337, tuyến đường từ trung tâm xã Hướng Lập vào thôn Tà Băng đã được mở rộng, điện lưới quốc gia đã vào đến các hộ gia đình. Trung tá Nguyễn Duy Thái, Đội trưởng Đội sản xuất số 3 chia sẻ: “Với phương châm 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) sau hơn 15 năm bám bản, anh em chúng tôi vận động nhân dân từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện cách làm ăn mới, như: Chăn nuôi theo mô hình gia trại, khai hoang đất ven suối để làm ruộng lúa nước... phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài việc triển khai hiệu quả các dự án, cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 3 còn lựa chọn một số hộ trong bản xây dựng mô hình chăn nuôi, sản xuất để nhân rộng ra toàn bản”.
Đến thăm gia đình ông Hồ Thứ, chúng tôi được chứng kiến mô hình chăn nuôi, sản xuất chẳng khác gì các hộ nông dân ở miền xuôi. Bên cạnh khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, gia đình ông còn quy hoạch một khu vực trồng rau xanh với các giống rau su hào, bắp cải... Ông Hồ Thứ khoe: “Vụ đông xuân vừa rồi, từ diện tích 3 sào ruộng nước do Đội sản xuất số 3 giúp khai hoang, gia đình tôi thu hoạch hơn 10 thúng lúa nên năm nay không lo đói nữa”.
Còn gia đình ông Hồ Mừng trước đây vốn là hộ đặc biệt khó khăn của thôn Tà Băng, nhưng đến nay, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đội sản xuất số 3 và sự nỗ lực vươn lên của gia đình đã thoát nghèo. Từ cặp bò giống do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 hỗ trợ, gia đình ông đã phát triển đàn bò gần 20 con và cuối năm 2022, từ số tiền khai thác hơn 2ha keo lá tràm, gia đình ông đã mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt như xe máy, ti vi...
Theo ông Hồ Văn Lương, không chỉ có gia đình ông Mừng, ông Thứ mà rất nhiều hộ ở Tà Băng đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Bài và ảnh: TIẾN QUỐC