Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun quan niệm “vạn vật hữu linh,” họ tin rằng các cánh rừng, con suối, nương rẫy đều có thần linh cai quản. Vì vậy mỗi năm một lần, đồng bào Xinh Mun lại tổ chức lễ ksai sà tip để cúng cầu cho dân bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi...

Bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn có 170 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Xinh Mun. Anh Lò Văn So, Bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín bản Ta Vắt chia sẻ: “Lễ cúng ksai sà tip còn gọi là lễ lộc hoa, được tổ chức lần lượt tại các gia đình với sự tham gia của thầy mo. Trước đây, lễ cúng kéo dài 5 ngày với nhiều thủ tục, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; sau nghi lễ, người dân trong bản tập trung liên hoan 5 ngày 5 đêm. Bây giờ, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà lễ cúng được rút gọn trong 1-2 ngày, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có”.

leftcenterrightdel
Người dân bản Ta Vắt, xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) múa xòe quanh cây nêu vui lễ cúng ksai sà típ. 

Để chuẩn bị cho lễ cúng, người đàn ông trong gia đình sẽ đi lấy một cây tre dài 3-4m làm cây nêu đặt ở giữa nơi tổ chức nghi lễ (có thể là sân, trong nhà hoặc gian bếp). Đàn ông trang trí cây mía, lá rừng, những bông lúa nếp vàng, xung quanh đặt một vò rượu cần và các nhạc cụ dân tộc như “bàn sang” (nhạc cụ được chế tạo từ chum, vò nhỏ và chậu thau đồng), ống tre (để gõ, chọc xuống sàn nhà tạo điệu nhạc, âm thanh vui nhộn), trống, chiêng...

Phụ nữ chuẩn bị mâm lễ cúng gồm 2 con gà luộc, xôi được nấu bằng gạo mới, bánh chưng, bí đỏ đã luộc chín, trầu cau, măng đắng, rượu trắng, vòng bạc, vải thổ cẩm, nến sáp ong... Trong khi cúng, thầy mo sẽ mời các vị thần linh, thổ địa, tổ tiên về dự và nhận lễ vật cúng của gia chủ. Sau đó, chủ lễ đến cạnh cây nêu, vít cần rượu mời thần linh, tổ tiên uống trước bằng những lời mời trân trọng, trang nghiêm, tỏ lòng thành kính. Tiếp đến, thầy mo mời người có uy tín trong bản, trong dòng họ và khách mời cùng con cháu trong gia đình tham gia các điệu nhảy, múa, vãi gạo lên cây nêu, bôi bí (làm phép cầu may) và uống rượu cần...

Phần hội bắt đầu khi người ngồi cạnh cây nêu dùng que tre gõ nhịp nhàng lên “bàn sang” tạo âm hưởng mang đậm bản sắc dân tộc, hòa vào tiếng trống, tiếng chiêng lúc bổng, lúc trầm, lúc dịu dàng, khi sôi động như thúc giục mọi người vào hội xòe quanh cây nêu. Sau khoảng 30 phút, tiếng trống, tiếng nhạc trầm dần, mọi người lại mời nhau uống rượu cần, ăn uống; rồi lại đánh trống, chiêng, tiếp tục múa xòe. Cuộc vui thường kéo dài đến sáng hôm sau mới kết thúc.

Lễ ksai sà típ của dân tộc Xinh Mun không chỉ giúp tăng thêm sự đoàn kết của cộng đồng, tỏ lòng biết ơn của con người đối với các vị thần, tổ tiên mà còn thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Xinh Mun, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Sơn La.

Bài và ảnh: PHAN THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.