Biết tiếng nói, chữ viết của bà con giúp ích rất nhiều cho công tác dân vận, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, giúp đồng bào vươn lên trong cuộc sống.
Học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những yêu cầu bắt buộc khi triển khai Tiểu dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Bộ Quốc phòng chủ trì. Trong các năm 2022 và 2023, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp học tiếng Jrai, Bahnar cho các cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã thực hiện tốt hơn việc giao tiếp, trao đổi với người dân địa phương trong đời thường, cũng như trong các hoạt động công tác.
 |
Nhờ biết và nói được tiếng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ quân đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang làm tốt công tác dân tộc và hỗ trợ bà con xóa đói, giảm nghèo. |
Rõ ràng nhất chính là việc Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã xây dựng được mối đoàn kết gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới Tây Nguyên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra là “hiểu được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đang tiếp tục mở nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, đặc biệt là các đồn biên phòng biên giới.
Nhiều năm gắn bó ở địa bàn huyện Ia Grai, Đại úy Hoàng Công Thưởng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ia O) đã biết rõ việc biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tạo thuận lợi trong quá trình tiếp xúc với bà con. Nhờ có thể giao tiếp với bà con, Đại úy Hoàng Công Thưởng kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở; tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, sát thực tế để giúp đỡ người dân thoát nghèo.
Đại úy Hoàng Công Thưởng cho biết: “Việc học tiếng dân tộc thiểu số giúp chúng tôi giao tiếp được với người dân bằng chính ngôn ngữ của họ. Việc này còn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của bà con để có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp”.
Về vấn đề này, Đại tá Lê Tuấn Hiền, Chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai cho biết, lực lượng vũ trang địa phương có nhiều đơn vị đóng quân ở địa bàn đa phần là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, học tiếng đồng bào là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện tốt hơn công tác dân vận, nắm địa bàn, từ đó giúp các cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều thực hiện phương châm “4 cùng” với bà con. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sau mỗi đợt luân chuyển, nhiều cán bộ tham gia công tác dân vận không am hiểu ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiêu số. Đây là một trong những “rào cản” trong công tác dân vận của các đơn vị quân đội. Để giải quyết vấn đề đó, Quân đoàn 3, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp học tiếng Jrai, Bahnar cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Đóng quân ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, với cán bộ, việc học tiếng Jrai là vô cùng quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15. Đây là cách để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân với cán bộ, chiến sĩ trong binh đoàn. Chỉ tính riêng năm 2023, Binh đoàn 15 đã mở 5 lớp học tiếng đồng bào dân tộc cho hơn 250 cán bộ, chỉ huy các đơn vị. Thời gian học được bố trí vào buổi tối, vừa bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa duy trì được quân số tham gia học.
Đại tá Lưu Văn Đoàn, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15 chia sẻ, thời gian qua, binh đoàn đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng đồng bào dân tộc. Hiệu quả của của mô hình này đã phát huy tốt vai trò của cán bộ, chiến sĩ, công nhân đối với công tác dân vận, công tác dân tộc; phát hiện những vấn đề mới, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nâng cao hiệu quả công tác, sản xuất của đơn vị trên địa bàn đứng chân.
 |
Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và công tác dân tộc được tổ chức tại Đoàn kinh tế-quốc phòng 72 (Binh đoàn 15).
|
Thiếu tá Trương Nhật Quang, Đội trưởng Đội 9 (Công ty Bình Dương, Binh đoàn 15) cho biết, nhờ những kiến thức và kỹ năng được bồi dưỡng qua khóa học từ năm 2022, đồng chí đã tự tin hơn trong việc tuyên truyền giáo dục bà con tuân thủ quy định của công ty, pháp luật nhà nước trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai).
Thiếu tá Trương Nhật Quang mong rằng, trong thời gian tới, Binh đoàn 15, Công ty Bình Dương tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Đội 9 thực hiện tốt công tác dân vận, công tác dân tộc để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chính sách dành cho đồng bào dân tộc với mục tiêu đơn vị gắn với thôn làng; bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh biên giới.
Bài, ảnh: TUẤN SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.